10 nhân viên trong các cơ sở y tế tỉnh Đắk Lắk bị phát hiện dùng bằng không hợp pháp, trong đó có 6 trường hợp dùng bằng THPT giả.

cán bộ dùng bằng giả
Đắk Lắk lại phát hiện 6 trường hợp sử dụng bằng giả. (Tranh biếm họa: sate)

Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk cho biết Sở đang tiến hành xử lý 10 trường hợp là nhân viên trong các cơ sở y tế sử dụng bằng cấp không hợp pháp.

Theo Sở Y tế, 6 trường hợp dùng bằng tốt nghiệp THPT giả sẽ buộc phải thôi việc. Những trường hợp còn lại thiếu chứng chỉ tin học, ngoại ngữ, Sở sẽ yêu cầu bổ sung trong thời gian tới.

Trước đó, Công an tỉnh Đắk Lắk, Sở GD&ĐT tỉnh cùng công an một số tỉnh, thành phố phối hợp xác minh bằng cấp của một số trường hợp tuyển dụng vào ngành y tế thì phát hiện 10 trường hợp là nhân viên, điều dưỡng, kỹ thuật viên tại một số trung tâm y tế, trạm y tế, bệnh viện đa khoa huyện, bệnh viện lao phổi, Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên sử dụng bằng cấp không hợp pháp.

Trong số bị phát hiện, có 4 chứng chỉ tin học, 4 chứng chỉ ngoại ngữ và 6 bằng tốt nghiệp THPT giả.

Theo Công an tỉnh Đắk Lắk, những người này đã mua bán các bằng cấp, chứng chỉ để xen vào cơ quan nhà nước nhằm tư lợi cá nhân, ảnh hưởng đến chất lượng bộ máy.

Công an tỉnh Đắk Lắk đề xuất UBND tỉnh đề nghị Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk thu hồi các quyết định tuyển dụng, buộc thôi việc các trường hợp sử dụng bằng cấp không hợp pháp; yêu cầu các sở, ngành tăng cường công tác kiểm tra, trước khi ra các quyết định đề bạt, bổ nhiệm, tuyển dụng phải thẩm tra, xác minh tính hợp pháp các loại bằng cấp.

Cũng tại Đắk Lắk, mới đây, dư luận xôn xao về việc bà Trần Thị Ngọc Ái Sa (giả) – Trưởng phòng Quản trị (Văn phòng Tỉnh ủy) đã mượn bằng của chị gái để thăng quan tiến chức; bà Bùi Thị Thân chỉ học hết lớp 11, nhưng đã mua bằng cấp 3 để ngồi vào ghế Phó phòng Hành chính (Văn phòng Tỉnh ủy).

Hiện bà Ái Sa đã khai trừ Đảng, buộc thôi việc; còn bà Bùi Thị Thân bị cách chức Phó phòng Hành chính, chuyển làm nhân viên của Phòng này.

Phạm Toàn

Xem thêm: