Do ảnh hưởng mưa lớn, Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai yêu cầu giám đốc hồ thuỷ điện Hòa Bình và Sơn La mở các cửa xả đáy.

thuy dien hoa binh xa lu fb DC 2
Hồ thủy điện Hòa Bình xả lũ. (Ảnh: FB D.C)

Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai cho biết hồi 9h ngày 8/9, mực nước hồ Sơn La ở cao trình 214,51 m, lưu lượng đến hồ là 4.038 m3/s, tổng lưu lượng xả là 2.649 m3/s (lưu lượng chạy máy phát điện); tổng lưu lượng xả qua hồ Bản Chát đến hồ Sơn La trong 5h qua liên tục tăng cao từ 81,9-971,2 m3/s.

Mực nước hồ Hòa Bình ở cao trình 116,14 m, lưu lượng đến hồ 2.850 m3/s, tổng lưu lượng xả 3.980 m3/s (gồm lưu lượng qua 1 cửa xả đáy và lưu lượng chạy qua máy phát điện).

Để thực hiện quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Hồng và để đảm bảo sử dụng hiệu quả nguồn nước, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai yêu cầu giám đốc công ty Thủy điện Sơn La, Hòa Bình mở một cửa xả đáy vào 7h ngày 9/9; mở thêm một cửa xả đáy tại thuỷ điện Hoà Bình vào 13h ngày 9/9. Cùng với đó, các nhà máy thuỷ điện sẽ phát tối đa các tổ máy. Tuỳ theo diễn biến mưa lũ, các nhà máy thuỷ điện có thể mở thêm các cửa xả đáy.

Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai cũng yêu cầu các các địa phương: Sơn La, Hòa Bình, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Hưng Yên, Hà Nam, Nam Định, Thái Bình, Bắc Ninh, Hải Dương, Hải Phòng thông báo đến cơ quan chức năng, người dân, các tổ chức có hoạt động trên sông, ven sông về thông tin xả lũ.

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, đến trưa ngày 8/9, mực nước sông Thao tại Lào Cai đạt đỉnh ở mức 80,9 m (trên BĐ1: 0,9 m); tại Yên Bái lên mức 30,6 m (dưới BĐ 2: 0,4 m). Dự báo, mực nước sông Thao tại Lào Cai sẽ xuống mức 79,6 m (dưới BĐ1: 0,4 m); tại Yên Bái sẽ lên và đạt đỉnh ở mức 30,7 m (dưới BĐ 2: 0,3 m) vào đêm ngày 8/9, sau xuống; đến sáng ngày 9/9, mực nước tại Yên Bái xuống mức 30,30 m (trên BĐ1: 0,3 m).

Trước đó, Nhà máy thủy điện Hòa Bình mở cửa xả lũ từ ngày 18/7 đã khiến hơn 400 tấn cá nuôi lồng bè trên sông Đà của người dân các tỉnh Tuyên Quang, Hòa Bình, Phú Thọ bị chết, trong đó tỉnh Phú Thọ chịu thiệt hại nặng nhất với hơn 350 tấn cá chết. Các loại cá chết chủ yếu là cá da trơn như: cá lăng, cá ngạnh, các chiên, cá tầm. Tại hai địa phương bị thiệt hại nặng nhất của tỉnh Hòa Bình là huyện Kỳ Sơn và TP. Hòa Bình, người dân phải bán tháo cá cho các chủ vườn cam với giá 10.000 đồng/kg.

Theo đánh giá ban đầu, nguyên nhân cá chết là do sự thay đổi đột ngột môi trường sống, sặc bùn, môi trường nước trong hồ chứa không phù hợp, dòng chảy tạo các xoáy ngầm, lượng phù sa bị “khuấy”, lượng oxy trong nước thay đổi hoặc giảm sút,… khiến cá bị ngạt khí.

Hoàng Minh

Xem thêm: