Thanh tra tỉnh Gia Lai đã kiến nghị UBND tỉnh chuyển hồ sơ vụ việc Ban Quản lý rừng phòng hộ Ia Púch để mất hơn 1.200 ha rừng sang Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an tỉnh để xử lý theo quy định pháp luật.

rừng phòng hộ, phá rừng
Rừng do Ban quản lý rừng phòng hộ Ia Púch (H.Chư Prông) bị chặt phá, lấn chiếm hơn 1.228 ha. Trong ảnh, một vạt rừng bị lấn chiếm để trồng cây nông nghiệp. (Ảnh: baogialai.com.vn)

Theo kết luận của Thanh tra tỉnh Gia Lai, Ban Quản lý rừng phòng hộ Ia Púch được UBND tỉnh Gia Lai giao quản lý hơn 16.700 ha đất tự nhiên trên địa bàn huyện Chư Prông, trong đó, hơn 13.500 ha là đất có rừng.

Qua kiểm tra hiện trạng đất lâm nghiệp tại các vị trí là hành lang 100 m chừa lại dọc theo quốc lộ 14C và theo thống kê của Ban Quản lý rừng phòng hộ Ia Púch thì có 110 hộ lấn chiếm đất làm nhà ở, làm vườn với diện tích 12,4 ha. Các hộ này chủ yếu là công nhân của Công ty cổ phần Đầu tư Quốc Cường Gia Lai và Công ty TNHH một thành viên Bình Dương cùng một số hộ dân di cư tự do.

Ban Quản lý rừng phòng hộ Ia Púch đã lập biên bản vi phạm, báo cáo các trường hợp vi phạm với UBND xã, UBND huyện, Sở NN- PTNT. Tuy nhiên, đến nay, chính quyền địa phương và Ban QLRPH Ia Púch vẫn chưa xử lý dứt điểm hành vi vi phạm này.

Ngoài ra, qua kiểm tra thực tế rừng tự nhiên và rừng trồng do Ban Quản lý rừng phòng hộ Ia Púch quản lý, Thanh tra tỉnh phát hiện tổng cộng 1.228,63 ha rừng tự nhiên bị chặt phá, lấn chiếm, tính từ năm 2008 đến nay, nằm rải rác ở 20 tiểu khu. Trong đó, hơn 868 ha rừng tự nhiên bị người dân chặt phá, lấn chiếm để làm rẫy, trồng cây nông nghiệp; gần 360 ha rừng bị một số doanh nghiệp chặt phá, chiếm đất để trồng cao su.

Mặc dù diện tích rừng tự nhiên bị chặt phá, lấn chiếm là 1.228,63 ha, Ban Quản lý rừng phòng hộ Ia Púch chỉ lập biên bản vi phạm 62.29 ha. Diện tích 1.166 ha còn lại không có thống kê, không báo cáo cấp trên xử lý.

Ngoài ra, Ban Quản lý rừng phòng hộ Ia Púch còn gian dối khi báo cáo diện tích rừng trồng là gần 2.400 ha nhưng thực tế đơn vị này chỉ trồng được 222,54 ha. Để có được con số rừng trồng đẹp mắt trình các cấp lãnh đạo, cơ quan này thống kê cả diện tích cao su của người dân, doanh nghiệp vào diện tích rừng trồng của ban.

Ngoài các sai phạm trên, Thanh tra tỉnh cũng phát hiện Ban Quản lý rừng phòng hộ Ia Púch đã thanh toán sai khối lượng các công trình nhà làm việc, xây cổng, hàng rào… với số tiền hơn 37,8 triệu đồng.

Theo Thanh tra tỉnh, trách nhiệm các sai phạm trên trực tiếp thuộc về lãnh đạo Ban Quản lý rừng phòng hộ Ia Púch qua các thời kỳ cùng UBND huyện Chư Prông, UBND các xã nơi có rừng. Đồng thời, Sở NN-PTNT Gia Lai cũng có một phần trách nhiệm trong những sai phạm này.

Ngày 12/9, Thanh tra tỉnh Gia Lai kiến nghị UBND tỉnh chuyển hồ sơ sang Cơ quan điều tra Công an tỉnh để điều tra việc Ban quản lý rừng phòng hộ Ia Puch làm mất hơn 1.200 ha rừng; kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo Ban Quản lý rừng phòng hộ Ia Púch phải thu hồi số tiền hơn 37,8 triệu đồng nộp lại ngân sách.

Trước đó, tháng 6/2019, Thanh tra tỉnh Gia Lai kết luận Ban quản lý rừng phòng hộ Đức Cơ (huyện Đức Cơ) đã để mất hơn 9.000 ha từ năm 2011 đến nay, ngoài ra chi sai hơn 700 triệu đồng qua các khoản thanh toán như chi phụ cấp đặc biệt cho viên chức, người lao động (chi sai gần 190 triệu đồng); chi trùng tiền sửa chữa xe ô tô (gần 15 triệu đồng); chi phụ cấp thu hút, chi phụ cấp lâu năm cho viên chức, người lao động không đúng đối tượng (chi sai gần 513 triệu đồng); chi một số khoản như tiếp khách, mua sắm dụng cụ, vật dụng văn phòng…

Đầu tháng 9, Thanh tra tỉnh Gia Lai kết luận Ban quản lý rừng phòng hộ Ia Meur (huyện Chư Prông) để mất hơn 545 ha rừng từ năm 2011 đến nay, chủ yếu do các tổ chức, cá nhân chặt phá, cơi nới lấy đất sản xuất nông nghiệp.

Ngoài ra, đơn vị này chi sai hơn 913 triệu đồng từ tiền ngân sách từ năm 2013 – 2018, qua các khoản thanh toán tiền phụ cấp thu hút, phụ cấp khu vực (chi sai gần 488 triệu đồng); thanh toán tiền hội nghị, tuyên truyền, công tác phí và các hoạt động của đơn vị (chi sai hơn 318 triệu đồng); thanh toán tiền quản lý, bảo vệ rừng, phục vụ công tác lâm sinh (gần 82 triệu đồng); thanh toán tiền xây dựng cổng hàng rào (hơn 8,1 triệu đồng); thanh toán và quyết toán tiền khoán quản lý bảo vệ rừng (gần 18 triệu đồng).

Minh Tâm

Xem thêm: