Với mức đầu tư 1.360 tỷ đồng, sau nhiều năm, dự án Nhà máy sản xuất ô tô Vinaxuki Thanh Hóa vẫn “đắp chiếu”. UBND tỉnh yêu cầu thu hồi 26 ha đất từ dự án này.

thu hoi dat cua du an nha may san xuat o to
Thu hồi 26ha đất Nhà máy sản xuất ô tô Vinaxuki 1.360 tỷ đồng.(Ảnh: thanhhoaexpress.vn)

Ngày 16/12, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa có công văn đồng ý với đề nghị của Sở TN&MT về việc thu hồi 26 ha phần đất tại dự án Cụm các nhà máy sản xuất, lắp ráp ô tô, máy xây dựng tại Cụm công nghiệp Song Lộc (xã Đại Lộc và xã Triệu Lộc, huyện Hậu Lộc) của Công ty TNHH một thành viên ô tô Vinaxuki Thanh Hóa.

Với diện tích còn lại, Công ty đầu tư xây dựng nhà xưởng và một số công trình trên đất như: 4 nhà xưởng, 1 nhà chuyên gia, 1 nhà bếp, 3 nhà bảo vệ và san lấp mặt bằng khoảng 8 ha đất ruộng…, UBND tỉnh yêu cầu công ty Vinaxuki Thanh Hóa đầu tư, tái khởi động lại nhà máy trước ngày 31/3/2018.

Sau thời hạn trên, nếu Công ty Vinaxuki Thanh Hóa không tiếp tục đầu tư dự án, UBND tỉnh Thanh Hóa sẽ thu hồi đất theo quy định của pháp luật.

Sở TN&MT được giao chủ trì, phối hợp với UBND huyện Hậu Lộc và đơn vị liên quan lập hồ sơ và thực hiện trình tự, thủ tục quyết định thu hồi diện tích đất, nhà và tài sản gắn liền với đất (nếu có) theo quy định pháp luật.

Trước đó, năm 2010, dự án Nhà máy sản xuất, lắp ráp ô tô, máy xây dựng Vinaxuki tại Cụm công nghiệp Song Lộc được UBND tỉnh Thanh Hóa chấp thuận với tổng mức đầu tư 1.360 tỷ đồng; quy mô sản xuất và lắp ráp 15.000 xe/năm các loại xe ô tô tải có tải trọng từ 0,5 tấn đến 45 tấn; 400 xe/năm các loại ô tô buýt từ 16 chỗ ngồi đến 100 chỗ ngồi; quy mô sản xuất 75.000 tấn/năm các loại phụ tùng ô tô,…

Tuy nhiên, sau 2 năm đi vào hoạt động (bắt đầu từ năm 2011), dự án đã phải “đắp chiếu”, nhiều công trình, nhà xưởng bỏ hoang, xuống cấp,…

Giải thích nguyên nhân dự án đắp chiếu, ông Bùi Ngọc Huyên – Chủ tịch HĐQT Vinaxuki cho hay đầu năm 2011, do khủng hoảng kinh tế, lạm phát tăng cao, Ngân hàng Vietcombank – đơn vị tài trợ cho Vinaxuki cắt vốn đầu tư, phá vỡ hợp đồng tín dụng khiến Công ty phải dừng sản xuất.

Đồng thời, từ năm 2010 đến năm 2014, Công ty đã nhiều lần mời các nhà đầu tư nước ngoài vào làm đối tác, song chưa mang lại kết quả. Ngoài ra, dự án gặp khó khi tỉnh chưa cấp cho Công ty quyết định thành lập Khu công nghiệp Song Lộc như dự định, mà chỉ cấp giấy phép hình thành cụm Dự án Công nghiệp Song Lộc khiến các nhà đầu tư nước ngoài không đầu tư vào dự án.

Văn Duy

Xem thêm: