Tượng vua Lý Thái Tông dự kiến sẽ được đúc bằng chất liệu đồng đỏ (nguyên khối).

mau vua ly thai tong
Mẫu số 1 phác thảo tượng vua Lý Thái Tông. (Ảnh: TAND Tối cao)

TAND Tối cao vừa có công văn số 141 về việc tổ chức lấy ý kiến của Thẩm phán TAND Tối cao, cán bộ công chức trong hệ thống tòa án đối với các mẫu phác thảo tượng vua Lý Thái Tông, để dựng tượng vua đặt tại Trụ sở TAND Tối cao và các TAND, TAQS các cấp.

Các phiếu lấy ý kiến được gửi về văn phòng TAND Tối cao trước 16h ngày 28/4.

Theo TAND Tối cao, mẫu phác họa tượng vua Lý Thái Tông thể hiện nhà vua trên 50 tuổi, trang nghiêm. Tượng được đúc là loại tượng đứng thẳng, toàn thân, có chân đế.

Dự kiến tượng và khối phụ trợ được đúc bằng chất liệu đồng đỏ (nguyên khối). Chân đế tượng dự kiến chất liệu do nhà điêu khắc thống nhất đề xuất.

Vị trí đặt tượng ở chính giữa sảnh tầng 1 trụ sở Tòa nhà TAND Tối cao tại 43 Hai Bà Trưng (quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội). Sảnh tầng 1 có đường kính sảnh là 23,2m; chiều cao sảnh là 16,28 m. Hướng chính của tượng: hướng Bắc – Đông Bắc; kích thước tượng chiều cao dự kiến 5,3 m (bao gồm cả chân đế).

Hiện các nhà điêu khắc đã tạo hình xong 3 mẫu tượng vua Lý Thái Tông.

mau vua ly thai tong 2
Mẫu số 2 phác thảo tượng vua Lý Thái Tông. (Ảnh: TAND Tối cao)
mau vua ly thai tong 3
Mẫu số 3 phác thảo tượng vua Lý Thái Tông. (Ảnh: TAND Tối cao)

Vua Lý Thái Tông có tên là Lý Phật Mã, sinh ra ở chùa Duyên Ninh thuộc cố đô Hoa Lư. Là con trai trưởng của vua Lý Thái Tổ và bà Lê Thị Phất Ngân (con gái vua Lê Đại Hành và Dương Vân Nga).

Lúc mới sinh Lý Phật Mã đã có tướng lạ, sau gáy có 7 nốt ruồi chụm lại như chòm sao thất tinh bắc đẩu.

Đại Việt Sử ký Toàn thư mô tả rằng:

Vua có bảy cái nốt ruồi sau gáy, như sao thất tinh. Khi còn nhỏ cùng trẻ con chơi đùa, có thể sai bảo được chúng, bắt chúng đi dàn hầu trước sau và hai bên như nghi vệ các quan theo hầu vua. Thái Tổ thấy thế vui lòng, nhân nói đùa rằng: “Con nhà tướng nên bắt chước việc quân, cần gì phải kẻ rước người hầu?” Vua trả lời ngay rằng: “Kẻ rước người hầu thì có xa lạ gì với con nhà tướng? Nếu xa lạ thì sao ngôi vua không ở mãi họ Đinh mà lại về họ Lê, đều do mệnh trời thôi”. Thái Tổ kinh lạ, từ đấy càng yêu quý hơn. Khi Thái Tổ nhận nhường ngôi, lập làm Đông cung thái tử.

Vua Lý Thái Tông được xem là vị vua tài năng, khởi đầu cho thời kỳ thịnh trị của nhà Lý. Trải qua “loạn tam Vương”, đánh dẹp Chiêm Thành, Ai Lao, hay loan họ Nùng, tất cả đều bách chiến bách thắng.

Đại Việt Sử ký Toàn thư có ghi chép rằng: “Vua là người trầm mặc, cơ trí, biết trước mọi việc, giống như Hán Quang Vũ đánh đâu được đấy, công tích sánh với Đường Thái Tông”.

Là người có niềm tin vào Phật giáo, Vua nhân từ với các quan lại, cũng như hoàng thân quốc thích. Trong “loạn tam Vương”, dù các các Vương phạm tội phản nghịch cướp ngôi, theo phép tắc thì bị khép tội chết, nhưng Vua không chỉ tha chết mà còn phục chức cho họ (duy chỉ có Vũ Đức Vương bị mất lúc giao tranh).

Khi Chiêm Thành liên tục quấy nhiễu vào biên cương, lại không cử sứ đến, Lý Thái Tông quyết định thân chinh đánh Chiêm Thành. Đại Việt thắng trận, nhưng chiến tranh khiến người Chiêm chết nhiều, Vua động lòng thương, lệnh cho quân sĩ không được tùy ý giết hay quấy nhiễu người Chiêm, ai trái lệnh sẽ dựa theo quân pháp mà trị tội.

Dù thân chinh đánh trận, nhưng Vua vẫn nghe ngóng tình hình trong nước, hễ biết nơi nào người dân bị đói kém là Vua hạ lệnh giảm thuế cho dân vùng đấy suốt mấy năm liền.

Lý Thái Tông cũng rất quan tâm tới việc nông nghiệp. Vua từng thân hành ra cửa Bồ Hải để tiến hành lễ cày ruộng Tịch điền. Ông tế Thần Nông, tế xong tự mình cầm cày xuống ruộng. Các quan can rằng:”Đó là việc của nông phu, bệ hạ việc gì phải làm thế?”. Thái Tông đáp rằng: “Trẫm không tự cày cấy thì lấy gì mà có xôi cúng, lại lấy gì cho thiên hạ noi theo?” Nói xong Vua đẩy cày ba lần mới thôi.

Vua còn xây dựng chùa Diên Hựu, ngày nay thường bị hiểu lầm là Chùa Một Cột. Tên chùa Diên Hựu mang ý nghĩa là “phúc lành dài lâu” hay “phước bền dài lâu”.

Vua Lý Thánh Tông trị quốc nhân từ, dùng Phật giáo để giáo hóa muôn dân, khiến Giang Sơn ngày càng cường thịnh, thiên hạ thái bình.

Sử thần Ngô Sĩ Liên đánh giá rằng: “Tấm lòng ấy của vua cũng như tấm lòng của Tống Thái Tổ chăng? Truyền ngôi được lâu dài là phải lắm”.

Quý Bình