Đó là câu hỏi mà ĐBQH Đà Nẵng Nguyễn Bá Sơn gửi đến Bộ Công an về bức xúc của người dân Đà Nẵng trong vụ Vũ ”nhôm”.

Phan Văn Anh Vũ
Ông Phan Văn Anh Vũ (mặc áo xanh, kẻ caro) tại phiên tòa. (Ảnh chụp màn hình)

Chiều ngày 5/9, Uỷ ban Tư pháp họp phiên toàn thể thẩm tra báo cáo của Chính phủ về công tác phòng chống tham nhũng.

Tại phiên họp, ĐBQH Nguyễn Bá Sơn (Đà Nẵng) đặt câu hỏi Phan Văn Anh Vũ (Vũ “Nhôm”) thâu tóm rất nhiều tài sản công, nhà cửa, đất đai. Tài sản đó hiện nay nằm trong tay ai và có thu hồi được hay không?”

Trả lời, Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương cho hay công tác điều tra, đấu tranh chống tham nhũng đã có chuyển biến tích cực.

Ông Vương thông tin đã có 378 vụ được điều tra, với 770 bị can. Ngoài ra, cơ quan điều tra cũng đang điều tra khoảng 11 vụ việc liên quan đến các dự án lớn của các tập đoàn, tổng công ty, trong các lĩnh vực: than, khoảng sản, điện, đạm, xi măng…

Về vụ Vũ “nhôm”, ông Vương cho biết từ khi khởi tố điều tra đến nay là 7, 8 tháng, tính từ khi đưa Phan Văn Anh Vũ từ Singapore về hồi đầu năm. Vụ này có sự chỉ đạo của Ban chỉ đạo 110, do Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng trực tiếp làm tổ trưởng.

nguyen ba son
ĐBQH Nguyễn Bá Sơn. (Ảnh: quochoi.vn)

Ông Vương cũng cho biết thêm đến nay, Phan Văn Anh Vũ đã bị khởi tố với 4 tội danh. Ngoài tội cố ý làm lộ bí mật nhà nước đã được xử lý, Vũ “nhôm” còn bị khởi tố về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ; Lạm dụng chức vụ chiếm đoạt tài sản và Vi phạm quy định về quản lý đất đai, quản lý công sản.

Theo Thứ trưởng, Vũ “nhôm” còn có thể bị xem xét yếu tố rửa tiền có liên quan đến nước ngoài, trốn đi nước ngoài,… “Hiện nay đang tiếp tục làm” – ông Vương khẳng định.

Còn “Sai phạm của Phan Văn Anh Vũ có liên quan gì đến địa phương hay không? Ai tiếp tay? Có sự vi phạm của chính quyền địa phương” – Thượng tướng Vương nói và cho hay Bộ Công an đang tiếp tục điều tra ai đã tiếp tay cho Phan Văn Anh Vũ lấy được 31 nhà công sản và hàng chục dự án.

Cán bộ công an vi phạm kinh khủng mà chỉ hạ hàm từ “tướng” xuống “tá”?

Cũng tại phiên thảo luận, về báo cáo công tác năm 2018 của Viện trưởng VKSND tối cao, nhóm nghiên cứu của Ủy ban Tư pháp chỉ ra một trong các hạn chế là tỷ lệ các vụ án kinh tế, chức vụ, tham nhũng TAND trả hồ sơ cho VKS yêu cầu điều tra bổ sung chiếm tới 21,5% (178/826 vụ), trong khi tỷ lệ trả hồ sơ nói chung với các loại tội phạm chỉ là 2,54%.

ĐB Vũ Trọng Kim băn khoăn vì báo cáo cho thấy loại tội phạm này tăng đến 68% trong năm 2018, đáng quan ngại, khi mà chống tham nhũng được đánh giá là đã rất quyết tâm, quyết liệt.

Theo ông Kim, báo cáo của Chính phủ nêu 7 nguyên nhân của tình hình tội phạm nhưng không có bóng dáng nguyên nhân từ công tác quản lý nhà nước và của những người đứng đầu.

Về xử lý, ông Kim cho rằng một số người được ăn học đến nơi đến chốn, có chức có quyền mà làm những việc “kinh khủng” thì phải trừng phạt tới nơi tới chốn. Chứ nếu có vi phạm chỉ hạ từ tướng xuống tá thì đó là xúc phạm cán bộ trong ngành.

Ngoài ra, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Ngọc Liêm cho hay trong năm 2018, có 29 người đứng đầu đã bị xử lý hoặc đang được xem xét để xử lý do thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng, theo đó, đứng đầu là tỉnh Điện Biên với 5 người, Quảng Trị 4 người,…

Về kết quả phát hiện và xử lý tham nhũng, qua việc tự kiểm tra nội bộ phát hiện 19 vụ, 21 đối tượng (tăng 26,7% số vụ); qua hoạt động thanh tra đã phát hiện 67 vụ, 76 đối tượng tham nhũng và liên quan đến tham nhũng (tăng tăng 52,2% số vụ); qua công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo phát hiện 34 vụ, 63 đối tượng có hành vi liên quan đến tham nhũng (tăng 100% số vụ).

Trong đó, 5 người bị xử lý hình sự, 21 người đã bị xử lý kỷ luật, 3 người đang thực hiện quy trình xử lý kỷ luật.

Hoàng Minh (t/h)

Xem thêm: