Ngoài trường đua ngựa được cấp phép đặt cược, dự án còn khai thác kinh doanh khách sạn 3 sao, trung tâm hội nghị, hội thảo, khu biệt thự nghỉ dưỡng, trung tâm mua sắm và công viên giải trí…

đua ngựa có cá cược
Thi đấu đua ngựa tại trường đua ngựa. (Ảnh minh họa/truongduadainam.vn)

Dự án Tổ hợp vui chơi giải trí đa năng – Trường đua ngựa do Tập đoàn Charmvit (Hàn Quốc) làm chủ đầu tư. Quy mô sử dụng đất của dự án dự kiến 125ha thuộc xã Tân Minh, huyện Sóc Sơn, Hà Nội.

Tổ hợp vui chơi giải trí đa năng gồm các hạng mục như trường đua ngựa – sân vận động phục vụ đua ngựa với sức chứa 30.000 khán giả, có diện tích 99,5ha; hồ điều hòa rộng 22,5ha; khách sạn 3 sao diện tích 1,5ha; khu biệt thự nghỉ dưỡng có diện tích 1ha; trung tâm hội nghị hội thảo 0,5ha.

Dự án có tổng mức đầu tư gần 10.000 tỷ đồng, tương đương 420 triệu USD, riêng hạng mục trường đua ngựa có vốn đầu tư khoảng 348 triệu USD. Trong tổng vốn đầu tư có 120 triệu USD từ nguồn vốn tự có của nhà đầu tư Hàn Quốc, 300 triệu USD còn lại sẽ vay từ các tổ chức tín dụng.

Chủ tịch Tập đoàn Charmvit – Lee Daa Bong cho biết nhà đầu tư sẽ liên kết với các đơn vị có giấy phép sản xuất truyền hình, truyền dẫn, phát sóng truyền hình trong nước để sản xuất, xuất khẩu nội dung các chương trình đua ngựa. Chương trình truyền hình này sẽ cung cấp cho 50 đại lý thuộc dự án và ra quốc tế.

Trường đua ngựa Sóc Sơn dự kiến được đầu tư theo 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 từ quý 1/2018 đến quý 3/2019, hoàn tất các thủ tục đầu tư, giải phóng mặt bằng. Giai đoạn 2 từ quý 4/2019 đến quý 1/2024, triển khai xây dựng tất cả hạng mục dự án.

Tại buổi trao quyết định đầu tư dự án (ngày 14/10), Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Đức Chung yêu cầu huyện Sóc Sơn đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng. Theo kế hoạch, dự án sẽ bắt đầu khai thác thương mại vào tháng 10/2020.

Ông Chung cho biết khi dự án đi vào hoạt động dự kiến sẽ tạo thu nhập cho khoảng 5.000 lao động trực tiếp và các hoạt động phụ trợ (khách sạn, biệt thự, khu nghỉ dưỡng) dự tính thu hút 20.000-25.000 lao động và tăng nguồn thu ngân sách khoảng 1.532 tỷ đồng/năm.

Trước đó, tháng 3/2019, theo đánh giá của Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại báo cáo dự án gửi Thủ tướng Chính phủ, dự án dự kiến khi đi vào hoạt động sẽ tạo việc làm cho khoảng 600 lao động, doanh thu bình quân 4.804 tỷ đồng/năm, nộp ngân sách bình quân 1.526 tỷ đồng/năm. Tuy nhiên, việc triển khai dự án sẽ ảnh hưởng đến diện tích đất trồng lúa dù không tác động đến quy hoạch sử dụng đất lúa của thành phố Hà Nội cũng như huyện Sóc Sơn. Số lao động nông nghiệp bị ảnh hưởng là hơn 3.200 người.

Dự án trường đua ngựa tại Hà Nội được nghiên cứu lần đầu năm 1999 với địa điểm dự kiến tại phường Đại Kim (Hoàng Mai) và Thanh Liệt (Thanh Trì). Do Việt Nam chưa ban hành quy định về cá cược và đua ngựa nên đối tác nước ngoài rút lui.

Đầu năm 2017, Chính phủ ban hành Nghị định về kinh doanh đặt cược đua ngựa, đua chó và thí điểm đặt cược bóng đá quốc tế. Giữa năm 2018, Quốc hội biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thể dục, thể thao, trong đó Điều 68a quy định về đặt cược thể thao.

Nhiều nhà đầu tư đã đề xuất xây dựng các dự án trường đua ngựa tại các tỉnh, thành như Bắc Ninh, Cần Thơ, Đà Nẵng, Phú Yên… Trường đua Đại Nam (Bình Dương) đã vận hành từ cuối năm 2017.

Minh Tâm

Xem thêm: