Cơ quan chức năng tỉnh Bình Định sẽ đưa vụ tàu vỏ thép bị hư hỏng, rỉ sét ra tòa án giải quyết nếu công ty đóng tàu không bồi thường thỏa đáng cho ngư dân.

quang nam ngu dan thang kien cong ty dong tau vo thep
Do hệ thống máy trên tàu bị hư hỏng nên tàu cá của ngư dân Trần Văn Liên phải nằm bờ suốt gần 2 năm qua. (Ảnh: Hồng Bằng/nongnghiep.vn)

Ông Phan Trọng Hổ – Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bình Định cho biết Sở vừa nhận được văn bản của Công ty TNHH Đại Nguyên Dương (Nam Định) trả lời về việc đền bù và hỗ trợ thiệt hại cho các tàu cá vỏ thép đóng mới theo Nghị định số 67 bị hư hỏng, rỉ sét phải nằm bờ sửa chữa.

Theo văn bản, Công ty Đại Nguyên Dương đề nghị UBND tỉnh Bình Định xem xét lại các khoản bồi thường từ phía ngư dân; đồng thời, công ty đang gặp rất nhiều khó khăn về tài chính do sự cố tàu vỏ thép bị hư hỏng nên sẽ không bồi thường cho các chủ tàu. Trong khi đó, Công ty TNHH MTV Nam Triệu (Hải Phòng) chưa có văn bản trả lời về vấn đề này.

Theo ông Trần Châu – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, Công ty Đại Nguyên Dương không chịu bồi thường cho các ngư dân là không đúng pháp luật.

Chúng tôi đang yêu cầu Sở NN&PTNT mời công ty này vào làm việc lại một lần nữa. Việc này là không chấp nhận được, nói gì thì nói chứ theo luật thì họ phải đền bù cho ngư dân. Sau khi Sở làm việc, thì chúng tôi sẽ có buổi làm việc trực tiếp với phía công ty để đi đến quyết định. Nếu công ty vẫn từ chối bồi thường thì chủ tàu sẽ kiện ra tòa để đòi quyền lợi và các cơ quan chức năng sẽ hỗ trợ pháp lý cho các chủ tàu”- ông Châu cho hay.

Liên quan đến việc bồi thường, ngày 5/12, Sở NN&PTNT Bình Định có văn bản yêu cầu công ty Đại Nguyên Dương đền bù và hỗ trợ cho 5 chủ tàu với tổng số tiền hơn 9 tỷ đồng; công ty Nam Triệu đền bù và hỗ trợ cho 14 chủ tàu với số tiền hơn 36,6 tỷ đồng.

Các khoản tiền bồi thường gồm: chi phí khắc phục, sửa chữa sau khi nhận tàu; tiền tổn phí, tiền thuê lao động do khai thác không hiệu quả; bị hư hỏng thủy sản; thuê tàu lai dắt do bị hư hỏng trong quá trình đánh bắt; tiền thiết kế tàu; lợi nhuận bị tổn thất do tàu nằm bờ; nợ gốc, lãi ngân hàng,…

Được biết, đây là lần thứ hai công ty Đại Nguyên Dương từ chối bồi thường thiệt hại cho các chủ tàu. Lần đầu tiên là tại buổi làm việc với Sở NN&PTNT tỉnh Bình Định vào ngày 30/11.

Tại buổi họp, ông Nguyễn Xuân Nguyên – Giám đốc công ty Đại Nguyên Dương cho biết công ty sẽ không bồi thường cho ngư dân vì việc khắc phục tàu bị hỏng chậm là do ngư dân đề nghị kiểm tra tôn đóng vỏ tàu bị chậm. Hơn nữa, vụ việc khiến uy tín công ty bị ảnh hưởng rất lớn, thiệt hại nặng nề.

Việc sửa chữa, khắc phục các tàu này chậm là do ngư dân làm đơn đề nghị kiểm tra tôn đóng vỏ tàu bị chậm, công ty lại phải chờ các văn bản đồng ý sửa chữa của các cơ quan chức năng,… Hơn nữa, vụ việc này đã khiến 300 công nhân nhà máy đóng tàu của chúng tôi thất nghiệp, công ty gặp nhiều khó khăn. Qua sự việc này, công ty bị ảnh hưởng uy tín rất lớn, điều này làm thiệt hại nặng nề nên sẽ không đền bù các khoản chi phí mà các chủ tàu yêu cầu” – ông Nguyên cho hay.

Trước đó, tháng 3/2017, sau khi hạ thủy chưa lâu, hàng loạt tàu cá vỏ thép đóng mới theo Nghị định 67 của Chính phủ do 2 cơ sở đóng tàu trên đã bị hư hỏng nặng, nằm bờ không hoạt động được, khiến ngư dân lao đao, nợ nần chồng chất.

Theo kết quả thẩm định của Sở NN&PTNT Bình Định, các tàu cá vỏ thép có động cơ hoạt động không ổn định, trong 25 máy phụ được lắp trên tàu vỏ thép có 1 máy do Trung Quốc sản xuất, nhiều máy không có nhãn mác, máy đo sâu dò ngang bị hỏng tại hệ thống đầu dò không sử dụng được; Hệ thống đèn cao áp hoạt động không ổn định, thường xuyên bị cháy đen, một số tăng phô bị nóng chảy do giải nhiệt kém,…

Sau khi vụ việc xảy ra, các cơ quan chức năng vào cuộc, yêu cầu 2 công ty đóng tàu khẩn trương sửa chữa, khắc phục các tàu bị hư hỏng để ngư dân sớm ra khơi.

Theo thống kê của cơ quan chức năng, hiện ngư dân nợ ngân hàng gần 18 tỷ đồng, gồm: 8 tỷ đồng là nợ gốc và hơn 9,8 tỷ đồng nợ lãi đã quá hạn – khiến ngư dân không có khả năng chi trả.

Hoàng Minh

Xem thêm: