Tại cuộc họp báo thường kỳ chiều ngày 8/8, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng khẳng định nhóm tàu địa chất Hải Dương 8 của Trung Quốc đã rời vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam.

Tàu khảo sát Địa chất Hải dương 8
Tàu khảo sát Địa chất Hải dương 8 và 9 cập cảng tại Nhà máy đóng tàu Thượng Hải (Trung Quốc). (Ảnh: China Daily)

“Chiều 7/8, nhóm tàu Địa chất Hải dương 8 đã dừng hoạt động khảo sát địa chấn và rời khỏi vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa phía đông nam Việt Nam được xác định theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS)”, bà Hằng cho biết, “Các cơ quan chức năng của Việt Nam đang tiếp tục theo dõi”.

Theo bà Hằng, Việt Nam trong những ngày qua đã nhiều lần bày tỏ ý kiến, triển khai các biện pháp ở các cấp và dưới nhiều hình thức phù hợp với luật pháp quốc tế và UNCLOS.

“Việt Nam đề nghị các nước tôn trọng quyền chủ quyền và quyền tài phán phù hợp với luật pháp quốc tế của Việt Nam. Việt Nam thể hiện, khẳng định thiện chí, sẵn sàng thông qua đối thoại, trao đổi với các nước liên quan để xử lý bất đồng, đóng góp vào việc duy trì hoà bình, ổn định, phát triển tại Biển Đông, cũng như vào việc thúc đẩy quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa các quốc gia”, người phát ngôn nói thêm.

Về câu hỏi Việt Nam sẽ có biện pháp gì nếu nhóm tàu Trung Quốc quay lại, bà Hằng nói rằng Việt Nam luôn kiên quyết bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của mình phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982, bằng các biện pháp hòa bình.

Hãng thông tấn Bloomberg nêu câu hỏi tàu Hải Dương 8 hoạt động trong vùng biển Việt Nam và việc Trung Quốc diễn tập quân sự tại khu vực quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam có được xem là hành động leo thang căng thẳng của Trung Quốc hay không?

Không trả lời trực tiếp vào câu hỏi, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam cho rằng duy trì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở Biển Đông cũng như khu vực và trên toàn thế giới là lợi ích chung của tất cả các quốc gia. Các nước trong khu vực cũng như trên thế giới cần phải có đóng góp thiết thực và có trách nhiệm vào mục tiêu chung này. Về quan điểm của Việt Nam về việc Trung Quốc tiến hành huấn luyện quân sự ở khu vực quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam cũng như những vi phạm nghiêm trọng của Trung Quốc vào thềm lục địa cũng như vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, bà Hằng cho hay điều này đã được bà nêu rất nhiều lần và cập nhật thông tin trong các phát biểu của mình.


Đồ họa cho thấy tất cả các hoạt động của tàu khảo sát Địa chất Hải dương 8 của Trung Quốc tại vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam từ ngày 3/7. Sau hơn một tháng hoạt động, nhóm tàu này vừa rời vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam.

Trước đó, ngày 7/8, trả lời câu hỏi của phóng viên về việc Trung Quốc tiến hành huấn luyện quân sự ở khu vực quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, bà Hằng lặp lại khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, cho hay “việc Trung Quốc tiến hành các cuộc huấn luyện quân sự ở Hoàng Sa của Việt Nam đã xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo này”.

Về động thái cụ thể, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao cho biết ngày 7/8, Đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam đã giao thiệp và trao công hàm phản đối hành động vi phạm nêu trên của phía Trung Quốc.

Trên dòng tweet tối 7/8 (giờ Việt Nam), trợ lý giáo sư Ryan Martinson (Trường Hải Chiến Hoa Kỳ), người đầu tiên đăng các hình ảnh theo dõi tàu Trung Quốc tiến vào vùng biển chủ quyền của Việt Nam ở bãi Tư Chính, cho biết tàu Địa chất Hải dương 8 đã hoàn thành khảo sát và đang ở Đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa.

Nguyễn Quân

Xem thêm: