Sau 28 ngày liên tục đi lại và nghiên cứu trái phép, tàu khảo sát Hướng Dương Hồng 10 của Trung Quốc và đoàn tàu hộ tống gồm tàu hải cảnh và dân quân biển đã rời vùng biển Việt Nam. Vấn đề đặt ra cho Việt Nam là làm thế nào để chấm dứt tình trạng này?

sau 28 ngay nghien cuu trai phep tau khao sat cua trung quoc roi vung bien viet nam
Tàu Trung Quốc liên tục di chuyển và khảo sát trái phép suốt 28 ngày trong vùng biển của Việt Nam. (Ảnh: Chụp màn hình/Ray Powell/twitter)

Theo RFA, ngày 5/6, Chuyên gia Raymond Powell – người đứng đầu dự án Myoushu thuộc Trung tâm Gordian Knot về An ninh Quốc gia thuộc Đại học Standford (Mỹ) cho biết thông tin này trên Twitter với hình ảnh theo dõi đoàn tàu được cập nhật.

Chuyên gia Raymond Powell là người liên tục theo dõi các hoạt động của tàu Trung Quốc ở vùng Biển Đông và đưa tin về hoạt động của các tàu này trong vùng biển của Việt Nam thời gian qua.

Ông Raymond Powell viết trên Twitter ngày 5/6: “Cuối cùng cũng kết thúc (có thể). 28 ngày sau khi đi vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam để thực hiện các hoạt động nghiên cứu trái phép, tàu Hướng Dương Hồng 10 của Trung Quốc cùng đoàn tàu hộ tống lớn bao gồm hải cảnh và dân quân biển dường như đang hướng trở về nước”.

Thông tin tàu khảo sát Trung Quốc rời vùng biển Việt Nam xảy ra trong khi Đối thoại an ninh thường niên Shangri-La đang diễn ra ở Singapore. Phát biểu tại diễn đàn này, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Lý Thượng Phúc nói “Nhờ những nỗ lực chung của các nước trong khu vực, tình hình Biển Đông nhìn chung vẫn ổn định, các trao đổi và hợp tác đã phát triển mạnh hơn”.

Ông Lý Thượng Phúc đồng thời cũng đổ lỗi cho Mỹ đang gây phức tạp thêm tình hình ở Biển Đông và Đài Loan.

Trước đó, Bộ Ngoại giao Việt Nam ngày 25/5 đã chính thức lên tiếng phản đối Trung Quốc điều tàu Hướng Dương Hồng 10 vào vùng biển Việt Nam và đề nghị Bắc Kinh rút các tàu này về nước. Tuy nhiên các tàu này vẫn tiếp tục ở lại. Bà Mao Ning, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết trong cuộc họp báo thường kỳ ngày 26/5 khi trả lời câu hỏi về việc Việt Nam yêu cầu tàu Trung Quốc rời khỏi Biển Đông:

“Trung Quốc có chủ quyền đối với quần đảo Nam Sa (Trường Sa) và các vùng biển lân cận, đồng thời có quyền tài phán đối với các vùng biển liên quan.

Các tàu liên quan của Trung Quốc thực hiện các hoạt động bình thường dưới quyền tài phán của Trung Quốc, điều đó hợp pháp và hợp lệ, đồng thời không có vấn đề gì khi đi vào vùng đặc quyền kinh tế của các quốc gia khác.”

Trung Quốc đòi chủ quyền phần lớn diện tích Biển Đông với đường đứt khúc 9 đoạn vẽ sâu vào vùng đặc quyền kinh tế của các nước láng giềng. Tòa Trọng tài Quốc tế trong một phán quyết vào năm 2016 đã bác bỏ tính hợp lệ của đường này. Tuy nhiên, Trung Quốc không tuân thủ phán quyết của tòa.

Biện pháp Việt Nam cần tham khảo để có hành động pháp lý hiệu quả trước Trung Quốc

Về biện pháp để chấm dứt yêu sách và những xâm phạm trái phép của Trung Quốc ở biển Đông, ông Trương Nhân Tuấn, nhà biên khảo từ Marseille, Pháp nói với RFA hôm 1/6 trên quan điểm riêng như sau:

“Có hai phương pháp cần nói tới, đó là phương pháp của Philippines và phương pháp của Malaysia. Tôi nghĩ rằng phương pháp của Malaysia là phương pháp hay và thông minh, mặc dù nặng về kỹ thuật. Trước hết về phương cách của Philippines, chúng ta thấy họ đã đạt được một kết quả rất cụ thể, họ đã minh bạch hóa được một vùng xám, họ đã cho thế giới thấy rằng giữa Philippines và Trung Quốc ‘không có tranh chấp’ gì hết, mà tất cả những yêu sách của Trung Quốc trên thềm lục địa hay là phần hải phận đặc quyền kinh tế của Philippines (vùng EEZ) đều vi phạm luật quốc tế hết.” 

“Tại sao lại nói như vậy? Philippines đã đề nghị Trung Quốc tham gia vụ kiện, nhưng Trung Quốc không tham gia thì Philippines đơn phương đi kiện, và Philippines đã tận dụng một phụ lục trong bộ luật quốc tế về Biển (Công ước LHQ về Luật biển, năm 1982). Theo đó, một quốc gia có quyền đơn phương đi kiện một quốc gia khác nếu những biện pháp khác để giải quyết những tranh chấp bằng ngoại giao, bằng thương thảo… đều bế tắc. Và ngay cả khi quốc gia khác kia từ chối không tham gia phiên tòa, phán quyết của tòa vẫn có ý nghĩa bắt buộc cho các bên, cho cả hai bên.

Đã có ý kiến rằng Việt Nam nên bắt chước Philippines để đi kiện Trung Quốc, nhưng theo ý kiến của tôi, Việt Nam có thể có biện pháp đơn giản hơn và thông minh hơn, đó là đi theo biện pháp của Malaysia.”

Phương pháp của Malaysia sử dụng Ủy ban Ranh giới Thềm Lục địa của Liên Hợp Quốc (Commission on the Limits of the Continental Shelf – CLCS), nước này đệ trình một hồ sơ về thềm lục địa của Malaysia, trong đó Malaysia nhìn nhận phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực quốc tế (PCA) về vụ án mà Philippines đơn phương kiện Trung Quốc là có hiệu lực trong những vùng biển có liên quan Malaysia. Thông qua đó, Việt Nam cũng nộp đơn đồng ý vấn đề đó, và tôi thấy nhiều quốc gia khác, nhất là Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Úc và tất cả những quốc gia thấy rằng họ có lợi ích ở Biển Đông mà nhận thấy rằng những yêu sách của Trung Quốc là phi lý, đều ủng hộ phán quyết đó (của tòa PCA.)

Vô hình chung, nếu chúng ta nghĩ lại về nguyên tắc ‘Actio Popularis’ của tập quán quốc tế, chúng ta thấy rõ ràng rằng Việt Nam có thể sử dụng phương pháp đó, để làm sao phán quyết đó trở thành một ‘Erga omnes’, tức là thành một chuyện bắt buộc cho tất cả các bên, ngay cả với Trung Quốc.”

Khánh Vy (t/h)