Quyết định nới lỏng giãn cách xã hội được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đưa ra trong bối cảnh Bộ Y tế cho biết nhiều ngày liên tiếp không ghi nhận ca nhiễm mới; trên thế giới hơn 2,4 triệu người nhiễm bệnh, hơn 170.000 người đã tử vong.

bắc ninh phong tỏa
Một khu vực bị phong tỏa tại Bắc Ninh sau ca nhiễm bệnh là công nhân Samsung Bắc Ninh. (Ảnh: Thiên Thanh)

Lúc 6h sáng ngày 21/4, Bộ Y tế cho biết không ghi nhận ca nhiễm mới, bước sang ngày thứ 5 tổng số ca viêm phổi Vũ Hán (COVID-19) tại Việt Nam dừng ở con số 268 ca.

Trong đó, số người nhiễm là người nhập cảnh là 160 người (chiếm 59,7%); 108 người lây nhiễm trong cộng đồng (chiếm 40,3%). Tổng số ca hiện đang điều trị là 40/268 người, số còn lại được công bố bình phục.

Trong các trường hợp bình phục, có 2 trường hợp xét nghiệm kiểm tra có kết quả dương tính là bệnh nhân 22 (quốc tịch Anh) và bệnh nhân 188 (nhân viên Công ty Trường Sinh). Bệnh nhân 22 khi về Anh có kết quả xét nghiệm âm tính, trong khi bệnh nhân 188 có kết quả âm tính sau 2 ngày dương tính.

Theo PGS.TS Trần Đắc Phu- nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện Y tế công cộng (Bộ Y tế), tình trạng tái dương tính trở lại là có thể xảy ra.

Nếu loại được lỗi trong quá trình lấy mẫu, xử lý và xét nghiệm thì có thể tính đến nguyên nhân tái nhiễm, lượng virus còn tồn đọng trong cơ thể bệnh nhân hoạt động trở lại. Lượng virus này có thể hoạt động trở lại nếu hệ miễn dịch của bệnh nhân chưa phát triển được đủ để chống lại virus hoặc hệ miễn dịch bị yếu đi sau khi hồi phục, lượng virus trước đây chưa được phát hiện có thể được kích hoạt trở lại.

Hoặc cũng có thể loại virus mới này có khả năng tồn tại trong trạng thái “ngủ” trước khi được kích hoạt trở lại.

Ông Phu cho biết những người tái dương tính có khả năng lây lan cho người khác, nhưng hiện chưa ghi nhận các ca lây nhiễm thứ phát từ các bệnh nhân này.

Mặc dù vậy, ông Phu khuyến cáo mọi người không được chủ quan, phải đặc biệt tuân thủ giãn cách xã hội, không tập trung đông người, đeo khẩu trang khi ra ngoài, rửa tay thường xuyên. Biện pháp này là để tránh người lành tiếp xúc với người bệnh, trong khi đó kết hợp với việc phong tỏa các ổ dịch để cách ly được người mang mầm bệnh với người lành, quản lý được người dương tính.

Theo ông Phu, việc quan trọng nhất hiện nay là làm sao hạn chế thấp nhất sự lây lan trong cộng đồng. Trên thực tế, khả năng kiểm soát 100% người mang mầm bệnh hiện là không thể.

Chiều 20/4, Thủ tướng cho biết khả năng lây nhiễm vẫn còn cao, song đồng ý từng bước nới lỏng, khôi phục các hoạt động xã hội, phát triển kinh tế, nhưng vẫn có kiểm soát.

Ngày 22/4, Chính phủ sẽ quyết định việc tiếp tục áp dụng giãn cách xã hội hay không và điều chỉnh các nhóm địa phương nguy cơ cao, nguy cơ và nguy cơ thấp. Nếu tình hình an toàn thì nhiều địa phương có thể được hạ thấp nguy cơ.

Ghi nhận trên thực tế, tới ngày 20/4 – trước thời hạn giãn cách xã hội theo yêu cầu, tại Hà Nội, TP.HCM và nhiều tỉnh, thành, các cửa hàng đã mở cửa kinh doanh trở lại, nhiều người dân đổ ra đường, công viên… sau nhiều tuần bị hạn chế hoạt động.

Nguyễn Quân