Sáng 12/4, Bộ Y tế công bố qua không có thêm bệnh nhân COVID-19 mới. Tổng số bệnh nhân là 258 ca theo lần công bố gần nhất vào 18h ngày 11/4. 

phong toa thon ha loi me linh 21
Thôn Hạ Lôi (Mê Linh – Hà Nội) vẫn đang bị phong tỏa hoàn toàn. Số ca nhiễm tại khu vực này tiếp tục tăng lên. (Ảnh: J.N)

Theo công bố của Bộ Y tế, 144 ca đã được điều trị bình phục, 114 ca tiếp tục được điều trị (chiếm 44%).

* Khu vực thôn Hạ Lôi (xã Mê Linh, huyện Mê Linh, Hà Nội) tiếp tục ghi nhận thêm ca nhiễm vào chiều tối 11/4, bệnh nhân 258 – là mẹ của bệnh nhân 257 được công bố trước đó.

Đây là khu vực có số ca nhiễm tiếp tục tăng lên sau khi ca đầu tiên – bệnh nhân 243 được xác định, tất cả đều có tiền sử dịch tễ tiếp xúc F1, F2 với bệnh nhân này. 6 ca bệnh gồm:

Bệnh nhân 243 là nam, 47 tuổi. Ngày 12/3, ông đưa vợ đi khám bệnh tại Khoa Miễn dịch – Dị ứng, Bệnh viện Bạch Mai; ngày 30/3, khai báo trạm y tế và được cách ly tại nhà, không có biểu hiện triệu chứng; ngày 4/4, đưa vợ đến Khoa sản, Bệnh viện Đa khoa Phúc Yên sau đó là Bệnh viện Phụ sản Hà Nội.

Ông cũng từng đến các chợ hoa – chợ Quảng Bá, chợ hoa Mê Linh từ khoảng ngày 14/3-30/3, tiếp xúc gần với nhiều người. Ngày 4/4, ông được lấy mẫu bệnh phẩm, ngày 6/4, kết quả xét nghiệm dương tính.

Do đi nhiều nơi, tiếp xúc với nhiều người tại nhiều bệnh viện, chợ hoa…, cơ quan y tế hiện chưa xác định được nguồn lây nhiễm đối với bệnh nhân 243.

5 bệnh nhân sau đều có lịch sử tiếp xúc F1, F2 với bệnh nhân 243, gồm bệnh nhân 250 (hàng xóm), 253 (chị dâu, ở gần nhà), 254 (hàng xóm), 257 (15 tuổi, hàng xóm, BN253 từng đến nhà chơi), 258 (mẹ của BN257).

* Lúc 0h ngày 12/4, Bệnh viện Bạch Mai đã dỡ phong tỏa sau 14 ngày (kể từ 0h ngày 28/3).

Trong 258 ca dương tính với virus Vũ Hán (nCoV), hiện xác định được 44 ca liên quan tới “ổ dịch” Bệnh viện Bạch Mai (6 ca tại thôn Hạ Lôi – Mê Linh chưa xác định được chính xác nguồn lây nên chưa tính vào số ca tại ổ dịch này).

* Trong khi đó, UBND TP.HCM thống nhất tạm dừng hoạt động của công ty PonYuen Vietnam (quy mô 70.000 lao động) do chỉ số rủi ro lây nhiễm COVID-19 tại đây ở mức 81% (trước đó là 91%) để có các giải pháp khắc phục.

* Số ca bệnh hiện đang có xu hướng thấp dần và đi ngang kể từ ngày 4/4. Tuy nhiên, cùng thời điểm này, PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam cho biết, hiện nay dịch COVID-19 tại Việt Nam đã chuyển sang giai đoạn 3, khi dịch bệnh lây lan ra cộng đồng. Theo TS Phu, có nhiều ca bệnh nhẹ, thậm chí không có triệu chứng, không vào bệnh viện thì không thể xác định được.

Theo đó, biểu đồ hiển thị số ca điều trị/số ca bình phục có giá trị tham khảo cho tình trạng bệnh dịnh tính đến thời điểm hiện tại.

so do nhiem benh covid 19
(Nguồn: Bộ Y tế)

Nhìn theo diễn biến chỉ đạo, ngày 11/4, Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế tiếp tục khẩn trương phát hiện các ca nhiễm, ổ dịch trong cộng đồng và cách ly, khoang vùng, dập dịch; tiếp tục thúc đẩy khai báo y tế.

Chính phủ yêu cầu tiếp tục huấn luyện, sử dụng máy thở, phác đồ điều trị tốt nhất… cho các tuyến, chuẩn bị nhân lực, vật tư, thiết bị thuốc men cho trường hợp dịch bệnh xảy ra trên diện rộng. Trước mắt, tạm dừng xuất khẩu các loại thuốc sử dụng để điều trị COVID-19, nhập khẩu một số loại thuốc thành phẩm cần thiết, đảm bảo đủ cơ số cho điều trị.

Các Bộ: Công Thương, Y tế chủ động đẩy mạnh sản xuất trang thiết bị y tế, công cụ, vật tư trong đó có khẩu trang các loại, máy thở.

Nguyễn Quân