Reuters dẫn thông tin từ một trang theo dõi dữ liệu tàu biển quốc tế cho biết tàu Hải Dương Địa chất 8 của Trung Quốc hôm thứ Bảy (24/8) đã mở rộng hoạt động gần bờ biển Việt Nam hơn. Động thái này của Trung Quốc diễn ra sau khi Mỹ và Úc tuyên bố quan ngại về hành động của chế độ Bắc Kinh tại vùng biển Việt Nam.

Tàu Hải Dương Địa Chất 8 của Trung Quốc.
Tàu Hải Dương Địa Chất 8 của Trung Quốc. (Ảnh: Cơ quan Khảo sát địa chất Trung Quốc)

Reuters dẫn thông tin từ trang Marine Traffic – một trang web theo dõi hoạt động của tàu biển quốc tế cho biết tàu Hải Dương Địa chất 8 Trung Quốc cùng ít nhất 4 tàu hộ tống hôm thứ Bảy (24/8) tiếp tục hoạt động khảo sát tại Vùng Đặc quyền Kinh tế (EEZ) của Việt Nam. Các tàu của Trung Quốc ở vị trí cách đảo Phú Quý, Việt Nam khoảng 102km và cách bờ biển Phan Thiết khoảng 185km.

Cũng theo dữ liệu từ trang Marine Traffic, có ít nhất hai tàu hải quân của Việt Nam đang theo sát nhóm tàu của Trung Quốc.

Reuters nói rằng họ đã liên lạc với Bộ Ngoại giao Việt Nam để yêu cầu bình luận về phạm vi hoạt động của nhóm tàu Trung Quốc, nhưng chưa nhận được phản hồi.

Trước khi phía Trung Quốc mở rộng phạm vi hoạt động của tàu khảo sát địa chất vào sâu trong thềm lục địa Việt Nam, hôm thứ Sáu (23/8), trong cuộc họp báo chung với Thủ tướng Úc Scott Morrion tại Hà Nội, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc đã lần đầu công khai lên tiếng về căng thẳng Biển Đông.

Thủ tướng Phúc nói: “Chúng tôi quan ngại sâu sắc về những diễn biến phức tạp gần đây trên Biển Đông, nhất trí cùng hợp tác duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải, hàng không, không sử dụng hay đe dọa sử dụng vũ lực, và phải giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình dựa trên luật pháp quốc tế, Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS) 1982…

Thủ tướng Úc Morrion cũng lên tiếng yêu cầu các bên cần tôn trong các quy tắc quốc tế trong hành xử tại khu vực.

Những nguyên tắc đó là tự do hàng hải, tự do hàng không, đảm bảo các quốc gia có thể theo đuổi các cơ hội phát triển hiện hữu trong vùng đặc quyền kinh tế và vùng biển của họ, và có thể tiến hành công việc đó theo cách không bị ngăn cản,” ông Morrison nói.

Đầu tuần này, Bộ Ngoại giao Mỹ cũng lên tiếng quan ngại sâu sắc về sự can thiệp của Trung Quốc vào các hoạt động dầu khí tại vùng biển Việt Nam tuyên bố chủ quyền.

Hoa Kỳ quan ngại sâu sắc về việc Trung Quốc tiếp tục can thiệp vào hoạt động dầu khí lâu dài của Việt Nam trong khu vực được tuyên bố là Đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Điều này làm dấy lên một câu hỏi nghiêm túc về cam kết của Trung Quốc, trong đó có Tuyên bố ASEAN – Trung Quốc về Ứng xử của Các bên ở biển Đông, đối với giải pháp hòa bình trong các tranh chấp hàng hải,” phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Morgan Ortagus nói hôm 22/8.

Đáp trả tuyên bố của Mỹ, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng hôm thứ Sáu (23/8) nói rằng Washington “đang gieo mầm chia rẽ và có các động cơ ngầm”.

Mục đích là mang tới hỗn loạn cho tình hình tại Biển Nam Trung Hoa và gây tổn hại tới hòa bình và ổn định khu vực. Trung Quốc kiên quyết phản đối điều này”, ông Cảnh nói.

Trước đó, vào hôm 19/8, trả lời phóng viên về tình hình Biển Đông, ông Cảnh Sảng nói: “Trung Quốc có chủ quyền đối với Quần đảo Nam Sa và các vùng biển lân cận, và có quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với các vùng biển có liên quan. Con tàu được nói đến của Trung Quốc vẫn luôn hoạt động trong vùng biển trong thuộc thẩm quyền của Trung Quốc. Trong quá trình đó, con tàu này đã điều chỉnh thích hợp kế hoạch hoạt động để phù hợp với các điều kiện hàng hải và nhu cầu thực tiễn. Chúng tôi hy vọng rằng quốc gia có liên quan sẽ thành thực tôn trọng quyền chủ quyền và quyền tài phán của Trung Quốc và hợp tác với Trung Quốc để duy trì sự hòa hợp và bình yên tại các vùng biển này.

Trung Quốc gọi quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam là Tam Sa, và đặt dưới quản lý của cơ quan hành chính cấp thị (thành phố cấp địa khu) tỉnh Hải Nam, chính quyền nhân dân đặt tại đảo Phú Lâm (Trung Quốc gọi là Vĩnh Hưng).

Xuân Thành

Xem thêm: