Một nội dung đáng chú ý trong dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội là việc quy định đại biểu Quốc hội chỉ được có một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam.

thumb 660 55f4963d e603 4711 b4f8 99b10d2c6b77
Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc (Ảnh: chinhphu.vn)

Sáng 29/10, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc trình bày Tờ trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội trong phiên họp toàn thể tại hội trường.

Dự thảo Luật dự kiến sửa đổi, bổ sung 11/102 điều của Luật Tổ chức Quốc hội hiện hành.

Trong đó, đáng chú ý có việc bổ sung quy định tiêu chuẩn về quốc tịch đối với đại biểu Quốc hội. Theo đó, đại biểu Quốc hội sẽ chỉ được có một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam.

Luật Quốc tịch 2008 quy định về nguyên tắc, công dân Việt Nam chỉ được mang một quốc tịch. Nhưng trong một số trường hợp ngoại lệ, Việt Nam vẫn cho phép công dân được mang 2 quốc tịch.

Các trường hợp ngoại lệ bao gồm: người được Chủ tịch nước cho phép; người Việt Nam định cư ở nước ngoài và đã nhập quốc tịch nước ngoài nhưng vẫn muốn giữ quốc tịch Việt Nam; người nước ngoài nhập quốc tịch Việt Nam và vẫn giữ quốc tịch cũ.

Trước đó, vào tháng 7/2016, bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường (Đại biểu Quốc hội khóa 13, trúng cử khoá 14 thuộc khối doanh nhân) đã bị hủy tư cách Đại biểu Quốc hội vì bà Hường có 2 quốc tịch là Việt Nam và Malta. Bà Hường sau đó chủ động xin thôi làm ĐBQH vì cho rằng mình không đủ điều kiện hoạt động.

Tháng 6/2018, ông Nguyễn Văn Thân (ĐBQH khoá 14, đoàn ĐB tỉnh Thái Bình) cũng bị cho rằng vi phạm quy định pháp luật khi cùng lúc mang 2 quốc tịch Việt Nam và Ba Lan và đang sở hữu bất động sản lớn ở Ba Lan. Tuy nhiên, ông Thân cho biết khi ứng cử ĐBQH khoá 14, ông đã có văn bản đề nghị Tổng thống Ba Lan cho thôi quốc tịch nước này và sau đó Tổng thống đã có quyết định cho ông Thân thôi quốc tịch Ba Lan.

Ngoài bổ sung quy định về quốc tịch nêu trên, Dự thảo Luật cũng có những bổ sung quy định về Đoàn đại biểu Quốc hội, trong đó có quy định về Trưởng đoàn, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội; Bộ máy giúp việc cho Đoàn đại biểu Quốc hội.

Liên quan đến kinh phí bảo đảm cho hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật quy định theo hướng: Chính quyền địa phương cấp tỉnh có trách nhiệm bố trí trụ sở làm việc, bảo đảm kinh phí và các điều kiện cần thiết khác cho Đoàn đại biểu Quốc hội tại địa phương.

Bên cạnh đó, dự luật cũng quy định hoạt động phí, thù lao tham gia hoạt động Quốc hội, các khoản phụ cấp và các chế độ của đại biểu Quốc hội gắn với hoạt động của Quốc hội và chi phí cho đại biểu Quốc hội khi tham gia các hoạt động do Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội tổ chức do ngân sách trung ương bảo đảm.

Trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết Ủy ban Pháp luật cơ bản tán thành với mục đích, quan điểm và phạm vi sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội.

Dự kiến, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội sẽ được Quốc hội xem xét, thông qua theo quy trình tại một kỳ họp và có hiệu lực từ ngày 1/6/2021 để bắt đầu triển khai thực hiện cho nhiệm kỳ Quốc hội khóa 15.

Tuấn Minh

Xem thêm: