Vết nứt mới xuất hiện trên mặt đường Quốc lộ 91 đoạn qua ấp Bình Tân, xã Bình Mỹ, huyện Châu Phú, tỉnh An Giang, cách vị trí sạt lở sạt lở trước đó khoảng 80m. 

sat lo quoc lo91 an giang
Vết nứt sát bờ sông Hậu trên quốc lộ 91 ở xã Bình Mỹ, huyện Châu Phú, tỉnh An Giang, sáng 23/5. (Ảnh: angiang.gov.vn)

Sáng 23/5, ông Nguyễn Thanh Lâm, Phó Chủ tịch UBND huyện Châu Phú cho biết khoảng 6h10 sáng cùng ngày, UBND huyện nhận được tin báo của người dân về đoạn nứt trên đường Quốc lộ 91 cũ, đoạn đi qua ấp Bình Tân, xã Bình Mỹ.

Đoạn nứt dài khoảng 20m, vết nứt rộng từ 0,1-1cm, cách bờ sông Hậu 3-7m. Tại khu vực xuất hiện nguy cơ sạt lở, sát bờ sông là cây xanh và lan can đường, phía bên trong quốc lộ khoảng hơn 20m có dãy nhà dân sinh sống.

Khảo sát tình hình, ông Lâm cho biết vị trí vết rạn nứt mới nằm ở khu vực ngã 3 đường tránh khu sạt lở Quốc lộ 91 năm 2010 và cách vị trí sạt lở vào tháng 7/2019 khoảng 80 m về hướng thành phố Long Xuyên. Các vết rạn nứt tiếp tục có dấu hiệu mở rộng, khả năng sạt lở có thể xảy ra bất cứ lúc nào.

Trong sáng 23/5, chính quyền địa phương đã cho kéo dây, gắn biển cảnh báo, cử lực lượng túc trực 24/24h để hướng dẫn người dân không đi vào khu vực nguy hiểm trên cả đường bộ và đường thủy.

sat lo quoc lo91 an giang 1 1
Vị trí sạt lở năm 2010, 2019 (nhấp vào hình để phóng lớn). (Trích Bản đồ địa hình đáy sông Hậu đoạn Quốc lộ 91 – xã Bình Mỹ, huyện Châu Phú – Từ Kênh Xáng Cây Dương đến Phà Năng Gù – Đợt 1 năm 2020; Nguồn: angiang.gov.vn)

Hồi năm 2010, khi xảy ra sạt lở, đoạn bờ sông Hậu được xây dựng kè đá. Đến tháng 7/2019, một đoạn đường dài 140m tại Quốc lộ 91 đoạn qua ấp Bình Tân nứt dọc, sau đó sạt lở lớn trong đêm khuya và rạng sáng, ăn sâu hơn 1/2 mặt đường với chiều dài 85m tăng về phía hạ lưu. 15/26 hộ dân phải di dời khẩn cấp.

Hiện UBND huyện Châu Phú đang xây dựng khu tái định cư cho các hộ bị ảnh hưởng của sạt lở của năm 2019 thì tuyến Quốc lộ 91 cũ tiếp tục xuất hiện thêm vết răn nứt mới.

Cuối tháng 4/2020, Sở TN&MT tỉnh An Giang cảnh báo toàn tỉnh có 52 đoạn sông cảnh báo nguy cơ sạt lở từ mức độ bình thường đến rất nguy hiểm, trong đó có 6 đoạn rất nguy hiểm.

Tác động trực tiếp do lượng mưa xuống thấp cộng việc các đập thủy điện trên sông Mekong ngăn dòng khiến lượng dòng chảy từ thượng nguồn sông Mekong về đầu nguồn sông Cửu Long ở mức thấp. Ngoài ra, hạn hán và xâm nhập mặn ở ĐBSCL đến sớm hơn, sâu hơn và gay gắt hơn. Tình hình thời tiết, khí tượng thủy văn bất thường dẫn đến nguy cơ cao khu vực hạ nguồn tiếp tục sạt lở.

Nguyễn Quân