Bốn Bộ trưởng trả lời chất vấn trong phiên họp Quốc hội khóa XIV gồm các Bộ: TT&TT, NN&PTNT, Nội vụ, Công thương. Phiên chất vấn kéo dài 3 ngày, bắt đầu từ sáng thứ Tư (ngày 6/11) tới hết thứ Sáu (ngày 8/11).

Quốc hội khóa XIV, Bộ Nội vụ, Bộ Công thương, Bộ NN&PTNT, Bộ TT&TT.
4 Bộ trưởng (từ trái qua phải, trên xuống dưới) tham gia trả lời chất vấn gồm: Bộ TT&TT, Bộ NN&PTNT, Bộ Nội vụ, Bộ Công thương.

Chiều ngày 28/10, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đã có thông báo kết quả lấy ý kiến đại biểu Quốc hội về các “tư lệnh ngành” được chọn đăng đàn trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV.

Theo đó, Văn phòng Quốc hội đã lựa chọn 5 Bộ trưởng, Trưởng ngành để lấy ý kiến đại biểu Quốc hội gồm: Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh, Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái, Bộ trưởng TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường.

Kết quả cho thấy Bộ Nội vụ có 85% đại biểu đồng ý; Bộ Công thương hơn 82%; Bộ NN&PTNT hơn 78%; Bộ TT&TT hơn 77%; Thanh tra hơn 70% ý kiến đồng ý.

Từ đó, Quốc hội đã chọn 4 Bộ trưởng trả lời chất vấn kỳ này gồm: Bộ Nội vụ; Bộ Công thương; Bộ NN&PTNT; Bộ TT&TT.

Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng chịu trách nhiệm trả lời các nội dung: Công tác quản lý báo chí, quản lý giấy phép trong lĩnh vực báo chí, phát thanh, truyền hình, cấp, thu hồi thẻ nhà báo; Công tác quản lý thông tin điện tử, nhất là các trang thông tin điện tử, mạng xã hội, quản lý quảng cáo trên báo chí, trên môi trường mạng; Về ứng dụng công nghệ thông tin và xây dựng Chính phủ điện tử.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Bộ trưởng các Bộ: VH-TT&DL, KH-CN, Tài chính, Nội vụ, Công an, Bộ trưởng – Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cùng tham gia trả lời chất vấn.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường trả lời chất vấn về nội dung gồm: Chất lượng, hiệu quả chương trình quốc gia về xây dựng nông thôn mới; công tác quy hoạch trồng trọt, chăn nuôi với thị trường tiêu thụ; ứng dụng khoa học công nghệ cao trong nông nghiệp; công tác xuất khẩu nông sản, thủy sản. Công tác phòng, chống và kiểm soát dịch bệnh cho gia súc, gia cầm và chính sách hỗ trợ cho các hộ dân bị ảnh hưởng. Hoạt động khai thác, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản; công tác quản lý, hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, khắc phục tồn tại trong khai thác, đánh bắt hải sản trên biển.

Tham gia trả lời cùng Bộ trưởng NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường là Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, Bộ trưởng các Bộ Công thương, Y tế, KH&ĐT, Tài chính, Thống đốc Ngân hàng nhà nước, KH-CN, TT&TT, GTVT, LĐ-TB&XH.

Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân chịu trách nhiệm trả lời các nội dung gồm việc sắp xếp, tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, nhất là việc sắp xếp cán bộ công chức sau khi sáp nhập các đơn vị hành chính cấp huyện, xã. Công tác tuyển dụng, bổ nhiệm, luân chuyển, bồi dưỡng, đào tạo, thi nâng ngạch cán bộ, công chức và viên chức. Công tác đánh giá cán bộ, công chức và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức.

Cùng tham gia trả lời chất vấn, giải trình các nội dung liên quan trong nhóm vấn đề Nội vụ có Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình, Bộ trưởng các Bộ: Tư pháp, Tài chính, GD&ĐT, Y tế.

Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh chịu trách nhiệm trả lời các nội dung về công tác quản lý, điều tiết điện lực; việc thực hiện quy hoạch phát triển điện lực, quy hoạch năng lượng mới và năng lượng tái tạo; Hoạt động xúc tiến thương mại, phát triển thị trường ngoài nước, thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ; thương mại điện tử và kinh tế số; công tác quản lý thị trường; phòng chống gian lận thương mại; quản lý cạnh tranh, bảo vệ người tiêu dùng; Phát triển cơ khí chế tạo trong nước, tỷ lệ nội địa hoá.

Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng, Bộ trưởng các Bộ: KH&ĐT, Tài chính, TN&MT, KH-CN,TT&TT, Công an, Ngoại giao, Thanh tra Chính phủ ở vị trí “chia lửa” với Bộ trưởng Trần Tuấn Anh.

Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết tại kỳ họp, hoạt động chất vấn sẽ được tổ chức theo cách thức lấy nhóm vấn đề làm trọng tâm, vấn đề thuộc trách nhiệm của cá nhân nào thì người đó có trách nhiệm trả lời.

Người bị chất vấn không trình bày báo cáo, có thể phát biểu về vấn đề chất vấn (không quá 5 phút) trước khi đại biểu Quốc hội tiến hành chất vấn.

Mỗi lượt có 03 – 05 đại biểu đặt câu hỏi chất vấn, mỗi đại biểu nêu chất vấn không quá 01 phút; người bị chất vấn trả lời không quá 03 phút/01 nội dung chất vấn.

Trong quá trình chất vấn, đại biểu Quốc hội có quyền tranh luận đối với các thành viên Chính phủ, Trưởng ngành để làm rõ những vấn đề đã được trả lời nhưng chưa thỏa đáng; thời gian tranh luận không quá 02 phút, thông tin tranh luận phải chính xác, đúng phạm vi chất vấn; không lạm dụng đăng ký tranh luận để đặt câu hỏi chất vấn; khi cần thiết, giữa các đại biểu có thể trao đổi lại với nhau nhưng cần cụ thể, đúng trọng tâm vấn đề chất vấn.

Sau khi 4 Bộ trưởng trả lời chất vấn, Thủ tướng Chính phủ trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội về những vấn đề liên quan đến công tác điều hành của Chính phủ.

Hoàng Minh

Xem thêm: