Theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Ban Quản lý Khu kinh tế Vân Đồn trực thuộc UBND tỉnh Quảng Ninh, thí điểm hoạt động trong 3 năm, kể từ ngày 21/4/2020.

khu kinh te van don
Phối cảnh quy hoạch Khu kinh tế Vân Đồn. (Nguồn: quangninh.gov.vn).

Chiều 15/5, UBND tỉnh Quảng Ninh công bố Nghị quyết của Chính phủ về việc thí điểm thành lập Ban quản lý khu kinh tế Vân Đồn trực thuộc UBND tỉnh.

Toàn bộ diện tích khu kinh tế nằm trong địa giới hành chính của huyện Vân Đồn. Trong 3 khu kinh tế Vân Đồn (Quảng Ninh), Bắc Vân Phong (Khánh Hòa), Phú Quốc (Kiên Giang) – được cho là 3 khu kinh tế trọng điểm tại 3 miền Bắc – Trung – Nam, Vân Đồn được xác định là khu kinh tế duy nhất nằm trong khu vực hợp tác kinh tế Việt- Trung, hợp tác liên vùng Vịnh Bắc Bộ mở rộng, cầu nối ASEAN – Trung Quốc, Hành lang kinh tế Nam Ninh – Singapore, trong Vùng Kinh tế trọng điểm Bắc Bộ (Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh).

Cơ cấu tổ chức của Ban Quản lý gồm: Văn phòng, Phòng Nghiệp vụ và Trung tâm Dịch vụ hỗ trợ đầu tư. Trung tâm Dịch vụ hỗ trợ đầu tư là đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ về chi thường xuyên và chi đầu tư. Biên chế công chức của Ban Quản lý do UBND tỉnh Quảng Ninh quyết định.

Ban Quản lý có tư cách pháp nhân, tài khoản riêng và con dấu hình quốc huy; kinh phí quản lý hành chính nhà nước, hoạt động sự nghiệp và vốn đầu tư phát triển do ngân sách nhà nước cấp theo kế hoạch hàng năm, nguồn kinh phí khác theo quy định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền…

Về chức năng hoạt động, Ban Quản lý Khu kinh tế Vân Đồn là đầu mối quản lý nhà nước về Khu Kinh tế, đầu mối chính nghiên cứu, tham mưu, bám sát hiện thực hóa mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội tại Khu kinh tế Vân Đồn; kết hợp phát triển kinh tế – xã hội với bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, bảo đảm lợi ích quốc gia, với giữ vững ổn định chính trị, trật tự xã hội; tăng cường và mở rộng quan hệ hợp tác đối ngoại.

Sau 3 năm triển khai mô hình thí điểm (từ ngày 21/4), UBND tỉnh Quảng Ninh sẽ tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng.

Dự án Luật Đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt (Luật Đặc khu Kinh tế) do Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì xây dựng theo chủ trương của Chính phủ từ năm 2013; tháng 9/2017, dự thảo luật được trình lên Ủy ban Thường vụ Quốc hội lấy ý kiến.

Tháng 5/2018, Quốc hội Việt Nam thảo luận tại hội trường về Dự thảo Luật Đặc khu Kinh tế. Sang tháng 6, do vấp phải sự phản đối từ công chúng trước những ưu đãi như thời hạn cho nhà đầu tư thuê đất 99 năm, quyền hạn của chính quyền đặc khu…, Chính phủ thông báo Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã lùi thời gian thông qua dự án luật đến tháng 10 cùng năm; đến tháng 8, người phát ngôn của Quốc hội – Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết tiếp tục lùi thời gian, không thông qua dự luật vào tháng 10 như đã định.

Tuy không đưa ra thông báo chính thức, chương trình xây dựng luật và pháp lệnh của cả năm 2019 và 2020 đều không có dự án Luật Đặc khu Kinh tế.

Mặc dù Luật đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt chưa được Quốc hội dự kiến thời điểm thông qua, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các tỉnh Quảng Ninh, Khánh Hòa, Kiên Giang lập quy hoạch Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc thành đặc khu kinh tế.

Đến đầu năm 2020, trong số 3 đặc khu kinh tế dự kiến phát triển Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc, đặc khu Vân Đồn đã chuyển quy hoạch phát triển khu kinh tế Vân Đồn; đặc khu Phú Quốc cũng chuyển sang phát triển quy hoạch khu kinh tế  TP Phú Quốc; còn tỉnh Khánh Hòa cũng trình Thủ tướng cho dừng quy hoạch đặc khu kinh tế Bắc Vân Phong cho đến khi Luật Đặc khu Kinh tế được Quốc hội thông qua, kiến nghị điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng khu kinh tế Vân Phong đến 2030 thành khu kinh tế Vân Phong, phù hợp với tình hình thực tế để kêu gọi đầu tư.

Vĩnh Long