Trước những diễn biến phức tạp của dịch cúm gia cầm từ Trung Quốc, tỉnh Quảng Ninh vừa có cuộc họp khẩn để đưa ra các biện pháp phòng chống dịch.

cum gia cam
(Ảnh minh họa: Shutterstock)

Sáng ngày 24/2, bà Vũ Thị Thu Thủy – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, Trưởng Ban Phòng chống các dịch, bệnh trên người của tỉnh đã có cuộc họp khẩn trực tuyến với 14 địa phương trong toàn tỉnh để bàn phương án phòng chống dịch cúm A/H7N9.

Ông Nguyễn Hữu Giang – Giám đốc Sở NN&PTNT Quảng Ninh cho biết do thời điểm giao mùa và nguy cơ xâm nhập dịch từ biên giới Trung Quốc vào Quảng Ninh cao nên biện pháp hữu hiệu nhất trong việc phòng chống dịch cúm gia cầm A/H7N9 là phòng ngừa từ xa.

Quảng Ninh là địa phương có đường biên giới giáp Trung Quốc, khả năng xâm nhập virus cúm A/H7N9 là rất cao. Theo báo cáo của Sở Y tế Quảng Ninh, hiện tại, tỉnh chưa có trường hợp nào mắc cúm A/H7N9 trên người nhưng trong 2 tháng đầu năm 2017 đã ghi nhận 4 ổ dịch cúm A/H5N6 trên gia cầm tại các huyện Ba Chẽ, Đầm Hà, Hải Hà. Các địa phương đã phát hiện sớm và dập tắt dịch nhanh chóng.

Theo bà Thu Thủy, nguy cơ bùng phát dịch cúm A/H7N9 tại tỉnh là rất lớn, đặc biệt ba địa phương có đường biên giới giáp Trung Quốc là: Móng Cái, Hải Hà và Bình Liêu cần chú ý tới việc phòng, chống dịch.

Hiện ngành y tế Quảng Ninh đã chuẩn bị 4,9 tấn Cloramin B, hơn 2.300 khẩu trang, 540 bộ trang phục phòng hộ, hàng trăm chai nước súc miệng, 4 máy phun hóa chất các loại,.. cho việc phòng chống dịch cúm gia cầm.

Trước đó, tại cuộc họp khẩn của Bộ Y tế về phương án phòng chống dịch cúm gia cầm ngày 20/2, PGS.TS Trần Đắc Phu – Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) cho biết từ tháng 10/2016 đến nay, Trung Quốc đã phát hiện 425 trường hợp mắc cúm A/H7N9, tập trung ở hai tỉnh Quảng Đông và Quảng Tây, gần một nửa trong số đó đã tử vong. Đáng chú ý, một số tỉnh ghi nhận có ca mắc bệnh như Quảng Tây, Vân Nam… – là các tỉnh giáp biên giới với Việt Nam. Điều này tiềm ẩn nguy cơ lớn lây lan dịch bệnh vào Việt Nam.

Trần Tâm

Xem thêm: