Theo đánh giá của Sở TN&MT tỉnh Quảng Bình, việc khoan lớp thạch nhũ hàng triệu năm tuổi để lắp thang vượt Bức tường Việt Nam – giúp du khách thăm quan toàn hang Sơn Đoòng không ảnh hưởng nhiều đến các quá trình địa chất trong hang.

son-doong
Lắp thang vượt Bức tường Việt Nam trong hang Sơn Đoòng. (Ảnh: Công ty Oxalis)

UBND tỉnh Quảng Bình vừa cho phép Công ty TNHH Oxalis (địa chỉ tại ĐT20, Phong Nha, xã Sơn Trạch, huyện Bố Trạch) – đơn vị khai thác tuyến Chinh phục hang Sơn Đoòng lắp đặt thang sắt vượt Bức tường Việt Nam (The Great wall of Viet Nam) để phục vụ du khách thăm quan hang.

Theo đó, việc lắp thang sắt đặt dưới sự giám sát, theo dõi của Ban quản lý Vườn Quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng. Đồng thời, UBND tỉnh Quảng Bình đã giao Sở TN&MT xin ý kiến của Bộ TN&MT về sự cần thiết lập Báo cáo đánh giá tác động môi trường đối với tuyến Chinh phục hang Sơn Đoòng.

Bức tường Việt Nam là một kiệt tác thiên nhiên nằm tại cuối hang Sơn Đoòng. Với chiều cao 90 m được cấu tạo từ nhũ đá có tuổi đời ước tính hàng triệu năm. Đoạn dưới chân là vách thẳng đứng có phần khuyết vào bên trong cao 25 m; 65 m còn lại lên đến đỉnh có độ dốc 45 độ. Đằng sau bức tường là đoạn hang dài 600 m và có lối ra cửa sau. Để thăm quan toàn bộ hang Sơn Đoòng, du khách phải đi qua Bức tường Việt Nam.

Do đó, phương án lắp thang sắt vượt Bức tường Việt Nam được các chuyên gia Hiệp hội hang động Hoàng gia Anh tư vấn cho công ty Oxalis để báo cáo UBND tỉnh Quảng Bình.

Trước nhiều ý kiến trái chiều về việc khoan lớp thạch nhũ để lắp thang vượt Bức tường Việt Nam, Sở TN&MT đã có văn bản số 965 báo cáo UBND tỉnh sau khi Sở đi thị sát, đánh giá các tác động liên quan thực địa Sơn Đoòng.

Theo văn bản số 965, tại địa điểm lắp đặt thang vượt Bức tường Việt Nam, với phương gần thẳng đứng (nghiêng khoảng 70 độ), có 3 lỗ khoan để móc khóa neo giữ đỉnh thang, trong đó có 2 lỗ khoan cũ, 1 lỗ khoan mới. Hiện có một điểm của thang tỳ vào vách của Bức tường Việt Nam nhưng đã được kê lót bằng đệm cao su để tránh trầy xước.

Đoạn di chuyển còn lại của Bức tường Việt Nam chiều dài khoảng 65 m, nghiêng khoảng 45 độ, có 23 lỗ khoan để neo móc dây bảo hiểm (an toàn), trong đó 15 lỗ khoan cũ, 8 lỗ khoan mới.

Các lỗ khoan có độ sâu là 10 cm với đường kính là 1 cm; theo chiều sâu của lỗ khoan, có khoảng 2 cm khoan vào lớp nhũ đá phủ trên bề mặt của Bức tường Việt Nam, tiếp đến là 8 cm khoan sâu vào lớp đá vôi gốc. Lối đi đến cửa sau hang Sơn Đoòng được giới hạn khoảng 1 m và đi qua khu vực ít nhạy cảm để tránh ảnh hưởng đến tính nguyên vẹn về địa chất và cảnh quan trong hang động.

Mức độ tác động đến quá trình địa chất trong hang là không đáng kể

Theo đánh giá của Sở TN&MT tỉnh, thang vượt Bức tường Việt Nam không hề chạm tới thạch nhũ, việc lắp đặt thang và khoan vít không có dấu hiệu làm nứt vỡ bề mặt tại vị trí các lỗ khoan.

Việc sử dụng lại các lỗ khoan cũ trước đây và một số ít các lỗ khoan mới với đường kính nhỏ (1 cm), nên ảnh hưởng của nó là rất nhỏ, không đáng kể so với mục tiêu đảm bảo an toàn và cứu hộ, cứu nạn khi cần thiết.

Đoạn vượt bức tường 65 m nghiêng 45 độ bằng dây an toàn với dải lưu thông hẹp, chỉ khoảng 0,5 m đi qua trên bề mặt lớp nhũ tràn, lưu thông từng người một nên tác động đến lớp nhũ tràn trên nền đá gốc và các quá trình địa chất và cảnh quan của chặng vượt qua Bức tường Việt Nam là rất ít.

Mặt khác, phương án lắp thang đã rút ngắn thời gian tour du lịch chinh phục hang động Sơn Đoòng từ 5 ngày 4 đêm xuống 4 ngày 3 đêm, cho phép giảm được đáng kể thời gian lưu trú của khách trên tuyến do không phải quay ngược lại tuyến cũ, nhờ đó giảm đáng kể tác động của du khách đến môi trường hang động.

Sở TN&MT kết luận, lộ trình vượt Bức tường Việt Nam theo giải pháp kỹ thuật nêu trên ảnh hưởng đến các quá trình địa chất là không đáng kể; lợi ích đảm bảo an toàn, cứu hộ, cứu nạn và bảo vệ môi trường lớn hơn nhiều so với tác động của nó.

Theo đó, UBND tỉnh Quảng Bình đã cho phép công ty Oxalis chính thức khai thác tour đi xuyên hang Sơn Đoòng từ năm 2018.

Được phát hiện vào năm 1991 bởi Hồ Khanh – một người dân địa phương, Sơn Đoòng là một phần của hệ thống ngầm nối với hơn 150 động khác ở Việt Nam gần biên giới với Lào. Hang Sơn Đoòng được hình thành từ khoảng 2-5 triệu năm trước, khi nước sông chảy qua vùng đá vôi đã bị vùi lấp dọc theo một đường đứt gãy.

Với chiều rộng 150 m, cao hơn 200 m, dài gần 9 km, Sơn Đoòng đã vượt qua hang Deer ở Malaysia, trở thành hang động tự nhiên lớn nhất thế giới. Ngoài một số đoạn hang có kích thước 140 m x 140 m, có đoạn rộng khoảng 91,5 m, cao gần 244 m (có thể chứa cả tòa nhà cao 40 tầng) với nhiều cột thạch nhũ cao tới 14 m, trong hang còn xuất hiện dòng sông ngầm dài 2,5 km với những cột nhũ đá cao đến 70 m và quần thể san hô, xương thú hóa thạch,…

Văn Duy

Xem thêm: