Tôi quen biết một nhóm bạn đã từng rong ruổi khắp mọi miền đất nước cách đây nhiều năm. Giờ gặp lại, họ hầu như chuyển sang đi du lịch nước ngoài.

sapa 2
Các công trình xây dựng hiện có ở khắp Sapa (Ảnh: Hà Thanh Nga)

Tôi hỏi họ phải chăng các bạn chán du lịch ở Việt Nam rồi sao. Họ nói không phải, những ngày tháng tuổi trẻ lang thang bụi đường ở mảnh đất quê hương là những tháng ngày tươi đẹp nhất. Nhưng, tụi mình ích kỷ quá thì phải, tụi mình chỉ mong những con đường đất đỏ quẩn bụi như xưa, những mái nhà tranh vương mùi khói bếp nằm bình yên bên đường, những đứa trẻ hồn nhiên vui đùa với món đồ chơi đơn giản tự chế, những cánh rừng hoang sơ và những bờ biển chỉ có đá và cát trắng. Giờ mọi thứ thay đổi nhiều quá thành ra lạ lẫm.

“Tụi mình chỉ muốn mọi thứ giống như ngày xưa, tụi mình có ích kỷ quá không?” Câu hỏi ấy cứ vương vấn trong suy nghĩ của tôi…

Giờ đây nếu bạn trở lại Sapa sau vài năm xa cách, có lẽ bạn sẽ không còn nhận ra thị trấn nhỏ xinh ngày nào, chỉ có sương mù là vẫn đặc quánh như vậy. Cả thị trấn biến thành một đại công trường khổng lồ, con đường chính vương vãi đầy cát sỏi xây dựng. Có người dân cho biết đất ở đây còn đắt hơn ở Hà Nội. Người ta tận dụng từng mét đất, từng khoảng không để xây khách sạn, nhà nghỉ, quán cafe phục vụ dân du lịch.

Hầu hết phụ nữ người dân tộc ở đây đã không còn dệt vải may đồ thổ cẩm nữa, vải vóc đều được nhập từ Trung Quốc với số lượng lớn, phong phú và rẻ hơn nhiều lần so với công họ cặm cụi tự dệt tự may.

Nếu bạn theo chân tour guide để vào tham quan bản người Dao Đỏ, bạn sẽ cảm thấy những cô gái từng bẽn lẽn xấu hổ khi chạm mặt vị khách đường xa giờ đã mất dần đi cái vẻ thuần phác mộc mạc của núi rừng, thay vào đó là sự già dặn từng trải, là đôi mắt nhuốm màu mệt mỏi và toan tính.

Khắp Sapa, những đứa bé người dân tộc dường như đã không còn được sống với tuổi thơ đúng nghĩa của chúng. Chúng lẵng nhẵng bám theo du khách mời mua những món hàng lưu niệm, và chỉ chịu rời đi khi khách bỏ tiền ra. Nếu chúng bắt gặp ai chụp ảnh mình, chúng sẽ bám theo đòi tiền cho bằng được.

Cả một thị trấn bị cuốn vào vòng xoáy của phát triển, của dự án chồng dự án, và đáng tiếc thay cũng dần bị cuốn đi mất bản sắc của mình. Những người dân địa phương mang tiếng khèn, tiếng tiêu ra thổi cho du khách liệu có bao nhiêu người ý thức trong đó việc giữ gìn văn hoá bản địa của mình, hay giờ họ chỉ nghĩ đến việc kiếm tiền?

Nếu bạn đã từng hăng say tập luyện thể lực, dầm mình trong mưa, trèo đèo lội suối để chạm được chân lên đỉnh Fansipan – nóc nhà Đông Dương, ký ức về việc bạn đã dũng cảm vượt lên chính mình như thế nào chắc hẳn luôn đẹp đẽ trong tim. Thế nhưng giờ đây bạn chỉ mất vài trăm nghìn và vài chục phút, cáp treo sẽ đưa bạn đến độ cao 2800m, từ đó có thang bộ để bạn thong dong bước lên đỉnh. Có những ngày, đỉnh Fan không có đủ chỗ đứng cho đoàn khách nườm nượp đi “tham quan”, trong đó không hiếm những người chỉ coi Fan là một nơi check-in khác lạ để làm nổi bật thêm cho bộ ảnh đăng trên Facebook của mình.

fansipan
Khách tham quan trên đỉnh Fansipan sau khi có cáp treo (Ảnh: tintucmoitruong)

Kéo theo việc xây cáp treo, là hàng loạt các dịch vụ đi kèm để phục vụ du khách. Người ta còn xây cả chùa ở gần đỉnh để thoả mãn cơn khát tâm linh của nhiều người, bất chấp việc công trình tín ngưỡng ở đó liệu có thực sự đạt được sự tôn nghiêm. Những chiếc máy xúc, máy xẻ gầm rú trên núi, cả một mảng rừng cây xanh tươi bỗng chốc hoá trọc. Đó là cái giá của sự phát triển.

Khi Hiệp hội hang động Hoàng gia Anh phát hiện ra hang Sơn Đoòng, được đánh giá là hệ thống hang động lớn nhất thế giới với những hình ảnh ngoạn mục, là người Việt Nam chắc hẳn ai cũng có chút tự hào. Theo thời gian, dường như việc thuê công ty du lịch có kinh nghiệm khai thác thám hiểm hang một cách thận trọng đã làm nhiều người làm kinh tế sốt ruột. Đã có dự án xây cáp treo đồ sộ được vẽ ra với mục đích đưa nhiều khách hơn tới Sơn Đoòng, đồng nghĩa với việc kiếm được nhiều tiền hơn, nhưng bất chấp những hệ luỵ nó có thể mang lại cho một quần thể thiên nhiên vào loại kỳ vĩ nhất trên thế giới này. Nếu được phép khai thác, nhiều nhà hoạt động đã cho rằng có lẽ sẽ không lâu để Sơn Đoòng biến thành một “Fansipan thứ hai”.

Không phủ nhận rằng tư duy du lịch theo cách thức càng nhiều người đến càng tốt đem đến sự phát triển ở góc độ cải thiện kinh tế cho người dân và địa phương, nhưng dường như cái được chẳng bõ cho cái mất nếu không giải quyết được bài toán phát triển hài hoà giữa bảo tồn văn hoá và tạo thêm doanh thu.

Bùng nổ du lịch theo số đông có thể gây ra ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường, đời sống của cư dân địa phương, cũng như làm biến đổi cấu trúc văn hoá của họ. Không chỉ có Sapa, mà ở nhiều địa danh du lịch nổi tiếng khác tại Việt Nam như Hà Giang, Mù Căng Chải, nhiều người dân bản địa đã cảm thấy xa lạ ngay trên chính quê hương mình. Sự xa lạ ấy không chỉ được tạo nên bởi hàng loạt những công trình xây dựng mới mọc lên như nấm, mà còn ở thái độ, cách cư xử, tình cảm bà con xóm giềng với nhau dường như cũng phai nhạt đi không ít phần.

Những người ham mê du lịch như bạn tôi, họ có ích kỷ không khi chỉ muốn tìm lại được những cảnh sắc, gương mặt, lối sống xưa? Hay sự ích kỷ ấy nằm tại những người hoạch định du lịch tại địa phương khi đặt bút ký những dự án với những con số lợi nhuận khổng lồ mà chưa suy xét kỹ?

Nếu việc đầu tư chỉ coi mục đích lợi nhuận là trên hết mà không cân nhắc nhiều đến ảnh hưởng của nó tới những giá trị khác, đó sẽ là một hệ luỵ đáng tiếc cho ngành du lịch và người dân bản địa. Dần dần, người ta sẽ bắt gặp những sản phẩm na ná nhau, vô hồn, trống rỗng. Dần dần, những người con đất Việt cũng sẽ lặng lẽ rời xa các danh thắng trên chính đất nước mình.

Tuệ Minh

Xem thêm: