Các cơ sở này bị xử phạt vì sản xuất, buôn bán, quảng cáo hàng kém chất lượng.

thuc pham vi pham
Phạt hơn 1,6 tỷ đồng 17 cơ sở vi phạm về ATTP. (Ảnh minh họa: baochinhphu.vn)

Theo cổng thông tin chính phủ, từ ngày 16/8-7/9, Cục An toàn thực phẩm (ATTP) đã xử phạt 17 cơ sở do có hành vi sản xuất, buôn bán, quảng cáo thực phẩm chức năng (TPCN) kém chất lượng với tổng số tiền phạt là gần 1,64 tỷ đồng.

Cùng với xử phạt, Cục ATTP (Bộ Y tế) đã buộc các cơ sở thu hồi và tiêu hủy các lô sản phẩm vi phạm, tháo gỡ nội dung quảng cáo vi phạm, cải chính thông tin theo quy định.

Trong các công ty bị phạt, Công ty TNHH Sản xuất và thương mại Hoàng ZN (quận Gò Vấp, TP.HCM) Bbị phạt nặng nhất với số tiền hơn 468 triệu đồng do vi phạm 6 hành vi, gồm:

  • Sản xuất 2 lô sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe (TPBVSK) là Cốm trắng da Skinfood Plus+ và Trà Thảo mộc hoa sâm đất mà không có giấy tiếp nhận bản công bố hợp quy, giấy xác nhận công bố phù hợp quy định ATTP.
  • Buôn bán lô sản phẩm Trà Thảo mộc hoa sâm đất mà không có giấy tiếp nhận bản công bố hợp quy, giấy xác nhận công bố phù hợp quy định ATTP.
  • Sản xuất 1 lô sản phẩm Cốm dinh dưỡng Extra Kid có các chỉ tiêu kẽm gluconat, L-Lysine; bán 1 lô Cốm dinh dưỡng Extra Kid có chất lượng không phù hợp với tiêu chuẩn công bố áp dụng; vi phạm quy định về nội dung bắt buộc trên nhãn hàng hóa đối với lô sản phẩm Cốm dinh dưỡng Extra Kid.
  • Quảng cáo sản phẩm Cốm trắng da Skinfood Plus+ và Khiết âm trên website có nội dung quảng cáo không phù hợp với một trong các tài liệu theo quy định.

Tiếp theo là Công ty cổ phần LD Đông Dương (quận Hoàng Mai, Hà Nội) bị phạt 100 triệu đồng do quảng cáo TPBVSK Bảo nhi ăn ngon và Bảo nhi canxi nano trên website có nội dung không phù hợp với một trong các tài liệu theo quy định; bán 1 lô Bảo nhi ăn ngon có chất lượng không phù hợp với tiêu chuẩn công bố áp dụng.

Công ty TNHH Sản xuất, dịch vụ và thương mại Bình An (huyện Ba Vì, Hà Nội) bị phạt là 87,5 triệu đồng do quảng cáo sản phẩm TPBVSK Mầm đậu nành nguyên xơ trên nhiều website gây hiểu nhầm có tác dụng như thuốc chữa bệnh và không phù hợp với một trong các tài liệu theo quy định; vi phạm quy định về nội dung bắt buộc trên nhãn hàng hóa đối với 2 lô sản phẩm Mầm đậu nành nguyên xơ.

Công ty TNHH Mộc Hoa Đường (huyện Thanh Trì, Hà Nội) bị phạt 60 triệu đồng vì quảng cáo TPBVSK Dạ dày Mộc Hoa trên các website gây hiểu nhầm có tác dụng như thuốc chữa bệnh.

Công ty TNHH Sản xuất thương mại dịch vụ Cường Anh Authentic (quận Hà Đông, Hà Nội) bị phạt 55 triệu đồng vì sản xuất, buôn bán lô TPBVSK Trà slim Cường Anh mà không có giấy tiếp nhận công bố hợp quy, giấy xác nhận công bố phù hợp quy định ATTP; không có đủ trang thiết bị, dụng cụ phù hợp theo quy định để sản xuất thực phẩm.

Công ty TNHH Thảo mộc thiên nhiên Hồng Sâm QM (quận Hoàng Mai, Hà Nội) bị phạt hơn 50 triệu đồng vì sản xuất và buôn bán TPBVSK Thảo mộc tăng cân thiên nhiên Hồng sâm QM và Thảo mộc giảm cân hồng sâm QM Plus mà không có giấy tiếp nhận bản công bố hợp quy, giấy xác nhận công bố phù hợp quy định ATTP; sản xuất 2 sản phẩm nói trên mà không có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP theo quy định.

Công ty TNHH Sản phẩm thiên nhiên và hữu cơ ONA Việt Nam (quận Ba Đình, Hà Nội) bị phạt 50 triệu đồng vì quảng cáo sản phẩm Ô mộc khang trên website gây hiểu nhầm có tác dụng như thuốc chữa bệnh.

Công ty cổ phần Dược phẩm Vshine (huyện Đông Anh, Hà Nội) bị phạt 47,5 triệu đồng do sản xuất, buôn bán lô sản phẩm Đạm dinh dưỡng Nhi TW khi giấy xác nhận công bố phù hợp quy định ATTP đã hết hiệu lực.

Công ty TNHH Quốc tế Umeken Việt Nam (Quận 7, TP.HCM) bị phạt 35 triệu đồng vì quảng cáo các sản phẩm TPBVSK trên website mà không được cơ quan có thẩm quyền xác nhận nội dung trước khi thực hiện quảng cáo.

Công ty TNHH Dược phẩm Trung Yên (quận Cầu Giấy, Hà Nội), Công ty TNHH Dược phẩm FUSI (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội), Công ty TNHH Sản xuất DP công nghệ cao NanoFrance (Thường Tín, Hà Nội), Công ty TNHH Đầu tư quốc tế Hoàn Mỹ (quận Tân Phú, TP.HCM) cùng bị phạt 30 triệu đồng.

Trong đó Công ty Trung Yên và Công ty Hoàn Mỹ bị phạt do vì quảng cáo TPCN/TPBVSK trên các website không phù hợp với một trong các tài liệu theo quy định. Công ty FUSI sản xuất lô TPBVSK Glucosamin Fort có chất lượng không phù hợp với tiêu chuẩn đã công bố áp dụng. Còn Công ty NanoFrance sản xuất 1 lô TPBVSK Bảo Nhi ăn ngon có chất lượng không phù hợp với tiêu chuẩn đã công bố áp dụng.

Công ty TNHH Thương mại và xuất nhập khẩu Obiuty Việt Nam (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội), Công ty TNHH Dược phẩm Healthy Beauty (Quận 10, TP.HCM) và Công ty TNHH Giai Cảnh (Quận 5, TP.HCM) cùng bị phạt 25 triệu đồng do quảng cáo TPBVSK trên website không phù hợp với một trong các tài liệu theo quy định.

Công ty cổ phần Thiết bị y tế Thịnh An (quận Hoàng Mai, Hà Nội) bị phạt hơn 6,5 triệu đồng do bán sản phẩm Glucosamin Fort có chất lượng không phù hợp với tiêu chuẩn đã công bố áp dụng; vi phạm quy định về nội dung bắt buộc trên nhãn hàng hóa đối với lô sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe FE- bổ máu.

Minh Long

Xem thêm: