Việc xâm phạm trái phép vào tư gia cụ Lê Đình Kình khiến nhiều người lo ngại về “sự an toàn của cụ Dư Thị Thành”, vợ cụ Kình.

vụ án Đồng Tâm, cụ Lê Đình Kình
Camera ghi lại cảnh “người lạ mặt” xâm phạm trái phép tư gia cụ Lê Đình Kình. (Ảnh: FB Trịnh Bá Phương)

Mạng xã hội Facebook vừa lan truyền hình ảnh một người đàn ông có ý định đột nhập trái phép vào tư gia cụ Dư Thị Thành (vợ cụ Lê Đình Kình) và nhà anh Lê Đình Chức (con trai cụ Kình) vào khoảng lúc 23h30 đêm hôm 16/6 tại thôn Hoành, xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, Hà Nội.

Việc này đã khiến nhiều người lo ngại về “sự an toàn của cụ Dư Thị Thành” trong bối cảnh công an Hà Nội vừa ra 47 trang kết luận điều tra số 210 về “biến cố Đồng Tâm” vào hôm 12/6.

Bản kết luận này, công an Hà Nội muốn truy tố 25 người về tội “Giết người” vì đổ xăng xuống hố và châm lửa đốt, gây nguyên nhân trực tiếp làm chết 3 công an; 4 người về tội “Chống người thi hành công vụ”,…

Bản kết luận từ phía công an Hà Nội cũng phủ nhận “đơn tố cáo và đề nghị khởi tố giết người” từ cụ Dư Thị Thành đối với chồng bà. Công an cho rằng đơn tố cáo là không đúng sự thật,…

Về việc này, Facebook Trịnh Bá Phương cho biết, Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam hôm 15/6 có liên lạc với anh để trao đổi về kết luận từ phía công an về vụ việc tại Đồng Tâm. Anh viết trên trang cá nhân:

Như quý vị đã biết, tôi đã báo cáo Đại sứ quán Mỹ và trả lời các cơ quan báo chí quốc tế nhiều điểm phi lý trong bản kết luận điều tra 210/ KLĐT- PC01 (Đ3) của cơ quan cảnh sát điều tra công an TP. Hà Nội, trong đó có nội dung như sau:

Trong bản kết luận điều tra cho thấy là cụ Kình đã bị bắn chết trước khi có bất kỳ viên cảnh sát nào đi vào phòng ngủ của cụ, chỉ duy nhất có con chó nghiệp vụ sau đó lao vào cắn đầu gối trái cụ Kình rồi lôi ra phòng khách.

Trong khi vợ cụ Kình là cụ Dư Thị Thành cho biết khi công an vào phòng bịt mồm, khóa tay cụ rồi lôi ra ngoài, lúc đó cụ Thành chứng kiến chồng mình vẫn còn sống trong phòng, trước đó cụ Thành thấy cụ Kình bị sặc hơi cay khó chịu quá nên cụ Thành phải lấy cái mũ len đi nhúng nước rồi đưa cho cụ Kình, đến khi bị bắt lên đồn Miếu Môn cụ Thành vẫn không nghĩ rằng chồng mình đã chết.

Từ đó có thể khẳng định một điều là thời điểm cụ Kình bị bắt chết phải là sau khi đưa cụ Thành ra ngoài chứ không phải là bắn chết ngay khi phá cửa ngách bếp, thời điểm đó cảnh sát chưa đột nhập vào phòng đưa cụ Thành đi.

Như vậy, cụ Thành là nhân chứng quan trọng trọng vụ án này, ngay khi đưa thông tin này lên tôi đã lo lắng về sự an toàn tính mạng của cụ Thành.

Và đêm hôm qua lúc 23h28p có kẻ lạ mặt cầm đèn pin đã đột nhập vào nhà cụ Thành, chưa rõ ý đồ, mục đích của kẻ này, chỉ là trộm cắp vặt? hay còn có âm mưu lớn liên quan đến vụ án Đồng Tâm, nhưng hiện cụ Thành rất cần công luận, các tổ chức nhân quyền và các Đại sứ quán có chương trình hành động bảo vệ nhân chứng trước và sau phiên toà, để vụ việc Đồng Tâm được đưa ra ánh sáng.

Hiện gia đình cụ Kình đang chuẩn bị làm đơn trình báo công an, kể từ thời điểm 23h28p ngày 16/6/2020 bất kỳ đồ vật vi phạm nào có trong nhà cụ Thành và anh Chức đều là do có kẻ đặt vào nhà”.

Trước đó, RFA hôm 15/6 dẫn lại lời của Luật sư Đặng Đình Mạnh, người tham gia bào chữa cho vụ án này, rằng: Bản kết luận điều tra do Công an TP. Hà Nội thực hiện là vi phạm luật Tố tụng hình sự.

Lý do, theo luật sư Mạnh là vì sau khi sự việc xảy ra vào ngày 9/1, vợ cụ Lê Đình Kình và một nhóm công dân đã gửi hai lá đơn tố giác tội phạm. Họ cho rằng lực lượng tấn công vào nhà cụ Kình – ở đây là công an TP. Hà Nội – cũng chính là thủ phạm gây ra cái chết cho cụ Kình:

Khi các luật sư được xem bản kết luận điều tra thì mới biết được rằng việc tấn công vào nhà của cụ Kình hóa ra là thuộc về lực lượng công an Hà Nội. Đó là đã là thông tin chính thức rồi.

Thì điều đó nó mang ý nghĩa rằng chính lực lượng công an TP. Hà Nội khi tấn công vào đó cũng đồng thời bị tố giác là tội phạm giết hại cụ Lê Đình Kình. Lẽ ra, khi cơ quan công an Hà Nội bị tố giác như vậy thì họ không nên đảm đương các nhiệm vụ khởi tố vụ án, vừa là điều tra vụ án.

Bởi vì, đơn vị của họ đã bị tố giác tội phạm như thế mà họ đứng ra điều tra như vậy thì sẽ mất đi sự khách quan. Và điều này nó cũng trái với điều 21, Bộ luật TTHS rằng những người tiến hành tố tụng, trong trường hợp này là cơ quan điều tra, sẽ không được đảm đương những chức vụ về tố tụng trong vụ án nữa, nếu có những dấu hiệu cho rằng cơ quan điều tra không còn khách quan, vô tư”.

Minh Long