Rạng sáng nay (ngày 9/10), PGS. Văn Như Cương (Chủ tịch Hội đồng Quản trị Trường THPT Dân lập Lương Thế Vinh – Hà Nội) qua đời ở tuổi 80 sau khoảng thời gian hơn 3 năm chữa trị bệnh ung thư gan.

“Đạo” trong đời sống của PGS. Văn Như Cương
PGS. Văn Như Cương. (Ảnh: Thiện Nhân)

Sáng nay, nhiều thế hệ học sinh và giáo viên của trường Lương Thế Vinh đã thay đổi hình đại diện trên trang Facebook cá nhân để bày tỏ sự thương nhớ đối với thầy Văn Như Cương khi biết tin thầy qua đời.

Thầy Cương mắc bệnh ung thư gan giai đoạn muộn từ tháng 7/2014. Tháng 3/2017, khi nhận được tin thầy bị bệnh nặng đang nằm viện, học sinh trường Lương Thế Vinh đã thực hiện video ghi lại cảnh hơn 3.000 học sinh toàn trường hát bài “Hát về mái trường Lương Thế Vinh” để thay lời chúc sức khỏe gửi tới thầy.

PGS. Văn Như Cương sinh năm 1937, tại làng Quỳnh Đôi (huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An).

Sau khi học xong chương trình nghiên cứu sinh ngành toán học tại Viện Toán học, Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô cũ và bảo vệ thành công luận án phó tiến sĩ vào năm 1971, thầy về nước làm giảng viên, làm việc tại bộ môn Hình học trường Đại học Sư Phạm Hà Nội, Đại học Sư phạm Vinh. Năm 1989, thầy mở trường phổ thông dân lập Lương Thế Vinh.

Thầy là người chủ biên và trực tiếp biên soạn hơn 60 đầu sách giáo khoa, sách tham khảo phổ thông và giáo trình đại học về chuyên ngành hình học.

Trò chuyện với Trí Thức VN vào dịp trước Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017, người thầy luôn tâm huyết và trăn trở với nền giáo dục Việt Nam chia sẻ:

“Người ta vẫn biện luận rằng việc giáo dục nhân cách con người có thể thông qua các môn văn học hay lịch sử. Lịch sử có thể dạy con người ta yêu nước, và văn học có thể bồi dưỡng cảm xúc hay tình thương. Nhưng cái đó ít ỏi lắm! Bởi vì người ta không thi cái đó. Thi lịch sử là thi về sự kiện gì đó, chứ không lấy tấm gương đạo đức ra để mà thi. Vậy là chúng ta thiếu hẳn.

Đây cũng là điều mà cải cách giáo dục sắp tới của chúng ta muốn nhấn mạnh, tức là phải dạy con người, dạy người rồi mới dạy chữ. Phải giáo dục về nhân cách, khiến cho học sinh trở thành những công dân tử tế, không đòi hỏi gì hơn! Học sinh cần biết sống cao thượng, sống đẹp, biết thương yêu cộng đồng, rồi sau đó mới là kiến thức.”

Với thầy, giáo dục không chỉ đơn thuần là để dạy kiến thức, mà còn để truyền tải cho các trí thức tương lai “Đạo” làm người. Những đánh giá, ý kiến thẳng thắn về nền giáo dục Việt Nam và nhiều câu nói của thầy là lời răn dạy và truyền cảm hứng cho nhiều thế hệ học trò, giáo viên.

>> “Đạo” trong đời sống của PGS. Văn Như Cương

Lam Ngọc

Xem thêm: