Trung tướng Tô Ân Xô, Chánh Văn phòng Bộ Công an, cho biết khi làm việc với cơ quan chức năng, có Giám đốc trung tâm kiểm định khai nhận là “không biết chữ, mới học lớp 3 cách đây 50 năm”.

to an xo 1
Trung tướng Tô Ân Xô, Chánh Văn phòng Bộ Công an, cho biết khi làm việc với cơ quan chức năng, có Giám đốc trung tâm kiểm định khai nhận là “không biết chữ, mới học lớp 3 cách đây 50 năm”. (Ảnh: baochinhphu.vn)

Vụ trung tâm kiểm định xe cơ giới

Tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ chiều tối 3/1, Trung tướng Tô Ân Xô, Chánh Văn phòng Bộ Công an cho biết thời gian qua, công an TP.HCM cùng một số Cục nghiệp vụ của Bộ Công an đã phát hiện làm rõ nhiều hành vi sai phạm, tiêu cực trong quá trình cấp giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật bảo vệ môi trường tại một số trung tâm kiểm định các phương tiện giao thông cơ giới tại TP.HCM, Long An, Tiền Giang, Sóc Trăng, Đồng Tháp, Bến Tre…

Các trung tâm kiểm định này bỏ qua lỗi vi phạm trong công đoạn kiểm tra hoặc cho thuê phụ tùng thay thế, các phụ tùng không đảm bảo quy chuẩn. Chẳng hạn, xe vào kiểm định lốp mòn quá thì thay lốp, thay thành thùng, thay một số bộ phận khác, chỉ nộp tiền xong là đảm bảo tiêu chuẩn.

Các trung tâm cũng sử dụng phần mềm để can thiệp vào hệ thống đăng kiểm để thay đổi các thông số kiểm định và tính chất vi phạm. Ví dụ, trong máy tính có 2 đầu đọc thì chỉ cắm 1 đầu, còn bỏ 1 đầu, như vậy xe vẫn đạt tiêu chuẩn.

“Sơ bộ ước tính có khoảng hơn 70.000 phương tiện cơ giới đã được kiểm định phạm luật như thế này và các trung tâm kiểm định này đã cấp khoảng 52.300 giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật về bảo vệ môi trường, và thu lợi hàng chục tỷ đồng”.

“Một số trung tâm kiểm định xe cơ giới đã lập ra các kiểm định viên ảo để thực hiện các hành vi vi phạm, có rất nhiều hành vi vi phạm khiến chúng tôi bất ngờ. Thậm chí, có giám đốc trung tâm kiểm định khi làm việc với cơ quan cảnh sát điều tra đã khai nhận là không biết chữ, mới học lớp 3 cách đây 50 năm”.

“Theo đánh giá của chúng tôi, đây được coi là loại virus Việt Á trong kiểm soát phương tiện giao thông”, ông Xô nói.

Đến nay, Công an TP.HCM đã khởi tố, bắt tạm giam gần 50 người trong vụ tiêu cực xảy ra tại các trung tâm đăng kiểm ở các tỉnh, thành phía Nam. Những người này bị khởi tố về các tội danh “Đưa hối lộ”, “Môi giới hối lộ”, “Nhận hối lộ”, “Giả mạo công tác”.

Theo Công an TP.HCM, đứng sau loạt trung tâm đăng kiểm tư nhân sai phạm có liên quan đến “ông trùm” Trần Lập Nghĩa (quê Sóc Trăng).

Bị can Trần Lập Nghĩa làm giám đốc 5 trung tâm đăng kiểm xe cơ giới, gồm: Trung tâm Đăng kiểm 62-03D (tỉnh Long An); 71-02D (tỉnh Bến Tre); 83-02D (tỉnh Sóc Trăng); 66-02D (tỉnh Đồng Tháp); 63-02D (tỉnh Tiền Giang). “Ông trùm” Trần Lập Nghĩa xuất thân làm việc tại trung tâm đăng kiểm Nhà nước, sau đó thành lập, đứng sau điều hành một loạt trung tâm đăng kiểm tư nhân.

Công an xác định tại các trung tâm đăng kiểm của Trần Lập Nghĩa, lực lượng chức năng phát hiện hành vi giả mạo trong công tác với thủ đoạn lập danh sách đăng kiểm viên nhưng không làm việc tại trung tâm để hợp thức hóa quy định về kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới.

Bị can Trần Lập Nghĩa bố trí nhân viên mặc đồng phục, giả dạng đăng kiểm viên để vận hành dây chuyền kiểm định và chỉ đạo nhân viên giả mạo chữ ký đăng kiểm viên để ký vào các hồ sơ kiểm định.

Mới đây, ngày 28/12/2022, công an TP.HCM cùng công an TP. Hà Nội, các đơn vị nghiệp vụ Bộ Công an khám xét Phòng Kiểm định xe cơ giới, Cục Đăng kiểm Việt Nam (địa chỉ 18 Phạm Hùng, phường Mỹ Đình, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) để điều tra vụ việc.

Vụ Việt Á và Chuyến bay giải cứu

Trung tướng Tô Ân Xô cho hay về vụ Việt Á, cơ quan điều tra dự kiến kết thúc điều tra trong quý I/2023. Đến nay, cơ quan điều tra đã khởi tố 29 vụ với 102 bị can. Còn vụ “Chuyến bay giải cứu” đã khởi tố 39 bị can.

Về số tiền kê biên phong tỏa và do các bị can nộp để khắc phục hậu quả, vụ Việt Á là 1.670 tỷ đồng và vụ Chuyến bay giải cứu là 80 tỷ đồng.

“Rất nhiều khả năng là số bị can sẽ tăng trong thời gian tới”, ông Xô nói.

Liên quan tới hai vụ việc trên, trước đó ngày 27/8/2022, ông Nguyễn Quang Linh, Trợ lý của Phó thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh, bị bắt, khởi tố với cáo buộc “Nhận hối lộ” trong vụ án “Chuyến bay giải cứu”.

Ngày 30/11/2022, ông Nguyễn Văn Trịnh, Trợ lý của Phó thủ tướng Vũ Đức Đam bị bắt, khởi tố để điều tra về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, liên quan đến công ty Việt Á.

Tại cuộc họp bất thường chiều 30/12/2022, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã quyết định cho ông Phạm Bình Minh thôi chức vụ ủy viên Bộ Chính trị, ủy viên Trung ương Đảng khóa XIII và ông Vũ Đức Đam thôi chức vụ ủy viên Trung ương Đảng khóa XIII.

Ông Phạm Bình Minh và Vũ Đức Đam thôi chức vụ ủy viên Trung ương Đảng đồng nghĩa với việc sẽ thôi chức vụ Phó thủ tướng.

Hiện báo chí nhà nước không đưa lý do cụ thể cho các quyết định này.

Quốc hội sẽ phê chuẩn bổ nhiệm hai Phó thủ tướng sau khi phê chuẩn miễn nhiệm các ông Phạm Bình Minh, Vũ Đức Đam vào ngày 5/1.

Phạm Toàn