GS.TS Đặng Đức Anh, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết hiện xác định các mẫu bị nhiễm virus Vũ Hán (nCoV) vào khoảng đầu tháng 7 và ổ dịch viêm phổi Vũ Hán (COVID-19) ở Đà Nẵng đã khởi phát vào đầu tháng 7/2020. 

tam ngung kinh doanh da nang
Các cơ sở kinh doanh tại Đà Nẵng dán thông báo tạm dừng kinh doanh trong đợt dịch bùng phát, ngày 2/8/2020. (Ảnh: Đ.T/Trí Thức VN)

Ngoài ổ dịch 3 bệnh viện ở Đà Nẵng, có 6 ca nhiễm trong cộng đồng

Cùng dẫn nguồn từ Báo Chính phủ, các báo trong nước cho hay tại cuộc họp của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19 chiều 4/8, ông Đức Anh cho biết qua xét nghiệm kháng thể 5.000/7.000 mẫu được thu thập ở các khu cách ly và trong cộng đồng, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương xác định các mẫu bị nhiễm vào khoảng đầu tháng 7 và ổ dịch ở Đà Nẵng khởi phát vào đầu tháng 7/2020 (ngày 25/7, Bộ Y tế công bố ca nhiễm bệnh đầu tiên trong đợt tái bùng phát – chú thích).

Trong khi đó, PGS.TS Trần Đắc Phu cho rằng số ca lây lan ra ngoài cộng đồng chưa nhiều, căn cứ trên xét nghiệm các mắc và qua điều tra dịch tễ. Theo ông Phu, hiện chỉ có 6 ca cộng đồng và chưa có trường hợp nào lây từ bệnh nhân, còn lại đều là các ca liên quan đến 3 bệnh viện.

Tại Hà Nội và TP.HCM cũng chưa phát hiện ca mắc cộng đồng, trừ các ca liên quan đến Đà Nẵng. Chưa có bằng chứng để khẳng định dịch bệnh lây nhiễm rất mạnh ngoài cộng đồng – ông Phu nhận định.

Ông Nguyễn Thanh Long, quyền bộ trưởng Bộ Y tế cho biết qua phân tích gen của virus gây bệnh trên các bệnh nhân, xác định virus gây bệnh là nguồn mới xâm nhập, từ 1 điểm phát ra (khu 3 bệnh viện ở Đà Nẵng)… Vì virus lần này đã đột biến nên lây nhiễm trong gia đình, lây nhiễm chéo cao.

Sắp tới, Quảng Nam sẽ được hỗ trợ chống dịch như đã làm với Đà Nẵng. Bộ Y tế cho biết sẽ đưa thêm người vào Quảng Nam, đẩy nhanh tiến độ truy tìm các trường hợp lây nhiễm trong cộng đồng để kịp cách ly, khoanh vùng, dập dịch, giảm thiểu tối đa tử vong.

Tại thời điểm diễn ra cuộc họp, Quảng Nam có số bệnh nhân COVID-19 cao thứ 2 cả nước – 43 ca, chỉ sau Đà Nẵng, đã ghi nhận 2 ca tử vong (đến sáng 5/8, số người nhiễm bệnh đã tăng lên 46 ca). Có tình trạng lây nhiễm trong gia đình, lây nhiễm chéo khi có trường hợp một gia đình (tại TP Hội An) có tới 7 người thuộc 3 thế hệ nhiễm bệnh, trong đó có 3 cháu nhỏ từ 7-9 tuổi.

Thông tin về 6 ca cộng đồng ngoài ổ dịch Đà Nẵng không được làm rõ. Trong đợt bùng phát dịch này, dòng tin tức về dịch bệnh hầu như tập trung vào khu vực 3 bệnh viện tại Đà Nẵng.

Sẽ còn ca tử vong nhưng không thể giãn cách trên toàn quốc

Tại cuộc họp, các chuyên gia y tế dự báo trong những ngày tới sẽ tiếp tục phát hiện các ca nhiễm trong cộng đồng và nhiều khả năng còn các ca tử vong là những bệnh nhân nặng đang điều trị tại các khoa chạy thận nhân tạo, hồi sức cấp cứu, tim mạch.

Với đường biên giới dài hơn 4.000km và gần 100 triệu dân, Ban chỉ đạo và các chuyên gia của Việt Nam xác định nguy cơ có dịch luôn thường trực trong cộng đồng. Ông Vũ Đức Đam, Phó thủ tướng, Trưởng Ban Chỉ đạo thừa nhận có làn sóng dịch bệnh thứ hai nhưng không để quay lại giãn cách xã hội trên diện rộng, ở quy mô toàn quốc mà khoanh vùng trên phạm vi nhỏ nhất có thể, những nơi khác phải hoạt động, làm ăn.

Các ca bệnh chỉ dẫn ban đầu đều được phát hiện tại các cơ sở y tế. Do đó, theo ông Đam, khu vực yếu nhất trong phòng, chống dịch là các bệnh viện, nhà dưỡng lão, đặc biệt là các khoa điều trị bệnh nhân nặng, bệnh nhân nguy kịch, bệnh nhân có các bệnh nền điều trị dài ngày như hồi sức cấp cứu, chạy thận nhân tạo.

Tại họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 7, ông Trần Quốc Phương, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) thừa nhận đợt giãn cách xã hội toàn quốc hơn 20 ngày đã tác động rất nhiều đến sản xuất kinh doanh, kết quả tăng trưởng của quý 2 rất thấp.

Nếu bị làn sóng COVID-19 thứ 2 thì tác động đến nền kinh tế rất ghê gớm. Trước mắt, ngành du lịch và ngành vận tải hành khách bị tác động đầu tiên. Không chỉ Đà Nẵng, tại các tỉnh, thành khác, các hãng lữ hành, vận chuyển hàng không đều bị huỷ chuyến đi, huỷ hợp đồng du lịch.

Hiện Việt Nam chưa đưa ra các dự báo về kinh tế, song sau đợt dịch bệnh hồi đầu năm và các tác động từ quốc tế, tính đến tháng 6, Việt Nam có tới 30,8 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị mất việc làm, nghỉ giãn việc, nghỉ luân phiên, giảm giờ làm, giảm thu nhập… Quý 2 có tỷ lệ thất nghiệp cao kỷ lục trong vòng 10 năm, ở mức 2,73%.

Thậm chí trước khi dịch bệnh tái bùng phát, ông Nguyễn Hồng Quang, Phó ban Chính sách (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) cho hay nửa đầu năm vẫn chưa tới đỉnh điểm của thất nghiệp, mà dự báo phải tháng 7, 8, 9 khi đơn hàng của doanh nghiệp sẽ hết dần tới trong khi các thị trường tiếp nhận hàng xuất khẩu vẫn chưa khôi phục.

Sơn Nguyên