Mực nước sông Mekong hiện đang xuống thấp nhất trong nhiều năm qua tại các quốc gia như Thái Lan, Lào, Campuchia và Việt Nam. ĐBSCL của Việt Nam ở cuối nguồn con sông lớn này và đang phải chịu những tác động rõ rệt. 

sông Mekong cạn nước, thủy điện sông Mekong
Ủy hội Sông Mekong (MRC) hôm 18/7 ra thông cáo cho biết nước sông Mekong vào đầu mùa lũ từ tháng 6 đến tháng 7 năm nay đang ở mức thấp nhất, xuống dưới cả mức tối thiểu trong lịch sử. Các chuyên gia của MRC cho rằng có ba lý do dẫn tới mực nước thấp chưa từng có ở lưu vực sông Mekong hiện nay là lượng mưa giảm, đập Cảnh Hồng giảm mức xả để “bảo trì lưới điện” và tình trạng thời tiết khô nóng hơn bình thường ở nhiều quốc gia Đông Nam Á trong tháng 7.

Ủy hội sông Mekong (MRC) vừa ra thông cáo cảnh báo nước sông Mekong đang vào đầu mùa lũ (từ tháng 6 đến tháng 7 năm nay) nhưng mức nước lại vô cùng thấp, xuống dưới cả mức tối thiểu trong lịch sử.

Cụ thể, mực nước sông Mekong đoạn từ Chiang Saen (Bắc Thái Lan) đến Luang Prabang (Vientiane, Lào) và Neak Luong (Campuchia) đang ở dưới mức thấp kỷ lục của năm 1992. Ở Chiang Saen, mực nước sông hiện tại là 2,1 m, thấp hơn 3,02 m so với mức trung bình cùng kỳ trong suốt 57 năm qua (từ 1961 đến 2018). 

Theo trang tin của Đài truyền hình Thai PBS, mực nước Mekong ở vùng Tam giác vàng (nằm giữa biên giới ba nước Lào, Thái Lan, Myanmar) ngày 19/7 đang ở mức thấp nhất so với mức thấp kỷ lục năm 1973.

ĐBSCL của Việt Nam ở cuối nguồn con sông lớn này và đang phải chịu những tác động rõ rệt. Tiến sĩ Lê Anh Tuấn tại Đại học Cần Thơ cho biết các trạm đo trên các nhánh sông Mekong ở Việt Nam cho thấy tính đến nay mực nước ở mức thấp nhất trong 10 năm qua, và điều này là “hết sức đáng lo ngại”, theo VOA.

Nguyên nhân mực nước sông Mekong xuống thấp kỷ lục là do lượng mưa ít từ đầu năm đến nay, tình trạng El Nino, và việc các đập thủy điện đang trữ nước từ đầu nguồn.

Trước tình hình nước sông Mekong đang ở mức thấp nhất trong lịch sử, theo các nhà khoa học, năm nay khả năng vùng ĐBSCL mùa nước nổi sẽ không về. Tình hình này dẫn đến hệ quả là sản xuất nông nghiệp, thả nuôi thủy sản (như nuôi tôm càng xanh mùa lũ ở vùng An Giang, Đồng Tháp) sẽ gặp nhiều khó khăn.

Các chuyên gia cũng dự báo đến khoảng tháng 3-2020, tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn sẽ rất gay gắt tại ĐBSCL. Mặn sẽ vào sâu đất liền, có thể ảnh hưởng đến cả nguồn nước sinh hoạt ở những nơi trước đây chưa từng bị ảnh hưởng.

Để ứng phó với tình trạng này, người dân cần giảm diện tích đất trồng lúa vì loại cây này phải sử dụng nhiều nước, chuyển đổi sang trồng cây khác ít dùng nước hơn. Bên cạnh đó, đây đang là thời điểm của mùa mưa, người dân cần thực hiện các biện pháp tích trữ nước phục vụ sinh hoạt, sản xuất.

Xuân Lan

Xem thêm: