Nguồn nguyên liệu hiện nay mà các nhà máy sản xuất ethanol của Việt Nam và Trung Quốc dùng để sản xuất ra ethanol pha chế thành xăng E5 là khoai mỳ (củ sắn), tiếp đến là mía đường.

Cả nước hiện nay có khoảng 7 nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học ethanol các loại. Tuy nhiên, phần lớn nhà máy này đã phải tạm dừng sản xuất vì không có thị trường tiêu thụ, trong đó bao gồm cả 3 dự án nhà máy nhiên liệu sinh học thua lỗ của Bộ Công Thương.

Trong khi đó, tính đến tháng 1/2018, việc cung cấp nhiên liệu E100 (ethanol dùng để phối trộn xăng E5) chỉ phụ thuộc vào 2 nhà máy sản xuất gồm Nhà máy nhiên liệu sinh học Ethanol Đồng Nai (sản lượng 6.000 m3/tháng) và Ethanol Quảng Nam (sản lượng 10.000 m3/tháng), cả 2 nhà máy này đều thuộc sở hữu của Công ty TNHH Tùng Lâm. Đơn vị này là doanh nghiệp duy nhất cung cấp ethanol để pha xăng E5 và bán ra thị trường trên 2.000 m3 mỗi tháng trong năm 2016. Nhiều doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu chia sẻ đang chủ yếu mua nguyên liệu ethanol từ công ty này.

Như vậy khả năng cung cấp ethanol cho nhu cầu xăng dầu ở Việt Nam là thiếu.

Vậy, khi chính thức khai tử nốt dòng xăng Ron 95 sau khi khai tử Ron 92, những kịch bản sau có thể xảy ra:

1. Để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng xăng ethanol, Việt Nam sẽ gia tăng mở rộng vùng canh tác khoai mỳ đồng thời lắp dựng hàng loạt các nhà máy sản xuất ethanol giá rẻ. Đây là cách giết chết môi trường nhanh nhất vì đất rừng sẽ bị phá để trồng khoai mỳ, hàm lượng cyanua trong cây khoai mỳ sẽ phát tán mạnh kết hợp với khí thải, nước thải từ các nhà máy sản xuất tinh bột mỳ sẽ là mối nguy cực lớn cho người Việt. Nên nhớ khoai mỳ giết đất rất nhanh, và sản lượng có thể sụt giảm tới 1/3 chỉ sau 3 năm trồng trên cùng loại đất nếu không có biện pháp thâm canh thích hợp.

2. Nếu Việt Nam không lắp dựng các nhà máy sản xuất ethanol thì kịch bản “xuất thô, nhập tinh” sẽ xảy ra. Việt Nam sẽ phải xuất mỳ lát cho Trung Quốc với giá hợp lý và nhập lại ethanol với giá bất hợp lý. Khi thương lái Trung Quốc đang nắm đằng cán trong việc thu mua mỳ lát mang về nước thì một điều sẽ xảy ra như đã từng xảy ra cho nông dân Việt trong những vụ thịt heo, thanh long, dưa hấu, v.v. Người dân thiệt đơn, thiệt kép.

3. Bên cạnh việc phải mở rộng vùng canh tác cây khoai mỳ thì việc sản xuất ethanol từ cây mía đường cũng được nhắm tới. Muốn vậy thì phải tăng giá thành ethanol lên để bù giá cho nông dân trồng mía. Khi giá mía được kích lên hợp lý thì chắc chắn nông dân sẽ ồ ạt trồng mía, đặc biệt là vùng châu thổ sông Cửu Long. Điều này lại dẫn đến một sự mất ổn định về lương thực. Dù sao, kịch bản này khó xảy ra hơn.

Những kịch bản trên xảy ra chủ yếu là vì phương pháp sản xuất ethanol lạc hậu mà Việt Nam và Trung Quốc sử dụng.

Những kịch bản có thể xảy ra khi Việt Nam chỉ dùng xăng ethanol
(Tranh biếm họa/Satế)

Vậy thế giới sản xuất ethanol như thế nào?

Nước sản xuất ethanol lớn nhất trên thế giới có thể kể đến là Brazil, nhưng nguồn nguyên liệu đầu vào chủ lực để sản xuất Ethanol của họ đã cải tiến rồi. Nếu trước đây họ sản xuất nhiên liệu sinh học từ các sản phẩm giàu tinh bột và các loại đường đơn giản và dễ được lên men thành ethanol như ngũ cốc hay mía đường, gọi là nhiên liệu sinh học thế hệ một (first-generation biofuels); thì giờ đây họ chuyển sang nhiên liệu sinh học thế hệ hai (second-generation biofuels), tức là những nguồn nguyên liệu phi lương thực khác, điển hình là cellulose, là thành phần phổ biến trong thân cây, rơm rạ, thậm chí họ điều chế ethanol từ vi tảo.

Theo đó, nguồn nguyên liệu sinh học thế hệ một được chế biến từ các sản phẩm giàu tinh bột và các loại đường đơn giản và dễ được lên men thành ethanol như ngũ cốc hay mía đường rất bất lợi cho vấn đề về an ninh lương thực, đặc biết là sự thiếu hụt lương thực còn dai dẳng ở nhiều nước trên thế giới, nhất là các quốc gia châu Phi và bị dư luận phản ứng gay gắt.

Sử dụng xăng ethanol có hai cái lợi là giảm phụ thuộc vào nhập khẩu xăng dầu và giảm khí thải gây ô nhiễm cho môi trường. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện tại và thực tế tại Việt Nam, việc sử dụng xăng ethanol lại hoàn toàn ngược lại những tiêu chí tích cực đó bởi nó sẽ phải:

  • Đánh đổi an toàn của môi trường đất sản xuất, chấp nhận ô nhiễm nguồn nước và không khí từ việc canh tác và chế biến khoai mỳ để lấy ethanol.
  • Hoặc bỏ phụ thuộc nhập khẩu xăng dầu để lấy sự phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu ethanol từ Trung Quốc.

Nguyễn Vĩnh (T/h theo Facebook Tran Hung)

Xem thêm: