Sau một sự vụ xảy ra ở một tỉnh năm ngoái, nhiều tỉnh cũng đề xuất bí thư, chủ tịch tỉnh nằm trong diện cảnh vệ“, Thượng tướng Võ Trọng Việt – Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng An ninh Quốc hội cho biết khi giải trình ý kiến của đại biểu Quốc hội về dự án luật Cảnh vệ vào chiều 6/6.

canh ve
Lực lượng cảnh vệ đang hộ tống đoàn khách quốc tế thăm Việt Nam vào năm 2006. (Ảnh minh họa)

Trước một số ý kiến đề nghị dự án Luật bổ sung chức danh Chánh án Tòa án nhân dân tối cao là đối tượng được cảnh vệ, ông Việt cũng cho biết Ủy ban thường vụ Quốc hội đề nghị giữ nguyên quy định về đối tượng cảnh vệ như hiện nay.

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng An ninh của Quốc hội cho hay Ủy ban đã tổ chức nhiều hội thảo, tọa đàm để thảo luận, góp ý về nội dung này. Trong đó, có ba khuynh hướng: tăng thêm, giảm đi và giữ nguyên.

Các khuynh hướng đề nghị giảm đi và giữ nguyên các chức danh đã được quy định tại dự án Luật. Vềkhuynh hướng tăng thêm thì các ý kiến còn muốn tăng thêm cả Tổng Kiểm toán Nhà nước, Chánh án TAND tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an… ; thậm chí một số tỉnh cũng đề nghị bổ sung chức danh Bí thư, Chủ tịch tỉnh vào đối tượng cảnh vệ.

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng An ninh của Quốc hội Võ Trọng Việt cho biết sau khi thảo luận, qua tổng kết Pháp lệnh Cảnh vệ thì việc giữ nguyên như dự thảo Chính phủ trình là phù hợp.

Ông Việt cho biết cần phân biệt cảnh vệ và bảo vệ là khác nhau. Hoạt động cảnh vệ là tập trung vào những đối tượng đặc biệt quan trọng, yếu nhân là cá nhân hoặc khu vực trọng điểm… và hiện có 18 đối tượng trong diện được cảnh vệ.

Các trường hợp thuộc đối tượng cảnh vệ

Theo dự thảo Luật Cảnh vệ, cảnh vệ là công tác bảo vệ đặc biệt do Nhà nước tổ chức thực hiện để bảo đảm an toàn tuyệt đối cho đối tượng cảnh vệ.

Các trường hợp thuộc đối tượng cảnh vệ gồm:

– Người giữ chức vụ, chức danh cấp cao: Tổng Bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam; Chủ tịch nước; Chủ tịch Quốc hội; Thủ tướng Chính phủ; Nguyên Tổng Bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, nguyên Chủ tịch nước, nguyên Chủ tịch Quốc hội, nguyên Thủ tướng Chính phủ; Uỷ viên Bộ Chính trị Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam; Bí thư Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam; Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Phó Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch Quốc hội, Phó Thủ tướng Chính phủ.

– Khách quốc tế đến thăm và làm việc tại Việt Nam: Người đứng đầu Nhà nước, cơ quan lập pháp, Chính phủ; Cấp phó của người đứng đầu Nhà nước, cơ quan lập pháp, Chính phủ, trên cơ sở có đi có lại; Khách mời của Tổng Bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ; Khách mời khác theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, trên cơ sở có đi có lại.

– Khu vực trọng yếu bao gồm: Khu vực làm việc của Trung ương Đảng; Khu vực làm việc của Chủ tịch nước; Khu vực làm việc của Quốc hội; Khu vực làm việc của Chính phủ; Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh; Bảo tàng Hồ Chí Minh; Khu di tích Phủ Chủ tịch; Quảng trường Ba Đình; Đài tưởng niệm các Anh hùng liệt sỹ tại đường Bắc Sơn, Ba Đình, Hà Nội.

– Sự kiện đặc biệt quan trọng, gồm: Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng; Hội nghị của Ban chấp hành Trung ương Đảng; Kỳ họp của Quốc hội; Phiên họp của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Hội đồng quốc phòng và an ninh, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ; Hội nghị, lễ hội do Trung ương Đảng, Nhà nước tổ chức; Đại hội đại biểu toàn quốc do các tổ chức chính trị – xã hội ở Trung ương tổ chức; Hội nghị quốc tế tổ chức tại Việt Nam có đối tượng cảnh vệ quy định tại khoản 1, điểm a, điểm b khoản 2 Điều này tham dự, chủ trì Hội nghị.

Việc bổ sung đối tượng cảnh vệ và việc áp dụng các biện pháp, chế độ cảnh vệ phù hợp do Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội theo quy định tại Điều 11, Điều 12, Điều 13 và Điều 14 của Luật này.

Dự kiến vào ngày 20/6/2017, Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua dự án luật này.

Nguyễn Quân

Xem thêm: