Từ 2001 đến nay, có hơn 840 vụ lộ, mất bí mật nhà nước, trong đó, nhiều tài liệu thuộc danh mục tuyệt mật, tối mật liên quan đến chủ trương giải quyết các tranh chấp về biên giới, biển đảo…

to lam
Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm. (Ảnh: quochoi.vn)

Vì sao bị lộ?

Chiều 25/10, Bộ trưởng Công an, Thượng tướng Tô Lâm trình dự thảo Luật Bảo vệ bí mật nhà nước và Luật An ninh mạng trước Quốc hội.

Tờ trình nêu rõ, từ năm 2001 đến nay, có hơn 840 vụ lộ, mất bí mật nhà nước. Trong đó, nhiều tài liệu thuộc danh mục tuyệt mật, tối mật liên quan đến đường lối, chủ trương, chính sách đối ngoại của Đảng, Nhà nước; chủ trương giải quyết các tranh chấp về biên giới, biển đảo.

Hình thức lộ, mất bí mật nhà nước chủ yếu là qua thông tin, liên lạc; báo chí, xuất bản; quan hệ quốc tế… Một trong những nguyên nhân của việc lộ, mất nêu trên là do hệ thống pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước còn chưa đồng bộ; các chế tài xử lý còn thiếu và yếu chưa bảo đảm tính răn đe; việc xử lý vi phạm còn nể nang, thiếu chủ động…”, Bộ trưởng Bộ Công an cho biết.

Trước hiện trạng trên, dự thảo Luật Bảo vệ bí mật nhà nước phân loại bí mật nhà nước thành 3 cấp độ: Tuyệt mật, Tối mật và Mật.

Dự thảo Luật đưa ra 8 nội dung mới về hoạt động bảo vệ bí mật nhà nước, như quy định trách nhiệm cụ thể của người soạn thảo văn bản; thống nhất và mở rộng thẩm quyền cho phép sao, chụp, phổ biến, nghiên cứu bí mật nhà nước; bổ sung đối tượng được phép sao, chụp, phổ biến, nghiên cứu bí mật nhà nước nhằm khắc phục hạn chế về thẩm quyền cho phép sao, chụp, phổ biến, nghiên cứu bí mật nhà nước, để các cơ quan, tổ chức, cá nhân được phép tiếp cận bí mật nhà nước đáp ứng yêu cầu công tác…

Việc mang bí mật nhà nước đi công tác trong nước và nước ngoài phải xuất trình văn bản xin phép có sự đồng ý của lãnh đạo cơ quan, tổ chức với Cơ quan quản lý xuất nhập cảnh tại cửa khẩu.

Ngoài ra là các quy định biện pháp kỹ thuật, khoa học, công nghệ; mã hóa; nghiệp vụ; pháp luật; phổ biến, giáo dục pháp luật để bảo vệ bí mật nhà nước.

Ai được lập danh mục bí mật nhà nước? Ai chịu trách nhiệm quản lý?

Một trong những điểm mới quan trọng là quy định cụ thể chủ thể được lập danh mục bí mật nhà nước. Các chủ thể lập danh mục bí mật nhà nước gồm: Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội; Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước; Chánh án Tòa án nhân dân tối cao; Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; Tổng Kiểm toán nhà nước; Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ; Chánh Văn phòng Trung ương Đảng; người đứng đầu các tổ chức chính trị – xã hội.

So với Pháp lệnh, dự thảo quy định thu hẹp đối tượng không phải lập danh mục bí mật nhà nước là Trưởng các ban của Đảng, người đứng đầu các tổ chức xã hội cấp trung ương”, Bộ trưởng Tô Lâm nói.

Dự thảo cũng quy định cụ thể trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức ở trung ương và địa phương trong quản lý nhà nước về bảo vệ bí mật nhà nước; làm rõ trách nhiệm của một số bộ, ngành đặc thù, như: Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Thông tin và Truyền thông, Ban Cơ yếu Chính phủ.

Về thời hạn bảo vệ bí mật nhà nước, Dự thảo Luật quy định về Tuyệt mật: 30 năm; Tối mật: 20 năm; Mật: 10 năm. Thời hạn trên sẽ được gia hạn nếu việc giải mật gây nguy hại đến lợi ích quốc gia, dân tộc.

Đề nghị làm rõ khái niệm “bí mật nhà nước”

Thẩm tra dự Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng an ninh của Quốc hội Võ Trọng Việt cho biết có ý kiến cho rằng, để tách bạch giữa bí mật nhà nước với bí mật của cơ quan, tổ chức, cá nhân, đề nghị làm rõ khái niệm “bí mật nhà nước”. Khái niệm “bí mật nhà nước” gắn với khái niệm “thông tin”, vì vậy, đề nghị nghiên cứu xây dựng khái niệm “bí mật nhà nước” rõ hơn, bao hàm đầy đủ các loại thông tin cần xác định là bí mật nhà nước (trong đó bao gồm cả thông tin không do cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền tạo ra).

Đại diện Uỷ ban Quốc phòng An ninh đề nghị bổ sung quy định giúp các cơ quan chức năng phát hiện kịp thời việc lộ, mất bí mật nhà nước để đưa ra biện pháp khắc phục, hạn chế hậu quả; quy định về các biện pháp hạn chế thiệt hại do việc lộ, mất bí mật nhà nước gây ra như hủy bỏ, điều chỉnh, đình chỉ việc sử dụng bí mật nhà nước.

Ông Việt nêu ý kiến của một số đại biểu, rằng đối với bí mật nhà nước độ tuyệt mật thường liên quan đặc biệt đến an ninh quốc gia, lợi ích quốc gia, dân tộc, thời hạn bảo vệ cần quy định dài hơn, có thể là 50 hoặc đến 60 năm hoặc không nên xác định thời hạn giải mật. Ý kiến khác đề nghị bổ sung loại bí mật nhà nước bảo vệ không thời hạn.

Cơ quan thẩm tra đề nghị Bộ Công an quy định cụ thể hơn về phạm vi bí mật nhà nước, làm rõ nội hàm “cần giữ bí mật” cũng như thời hạn bảo vệ bí mật nhà nước trong dự thảo Luật là tối đa hay tối thiểu; số lần gia hạn và thời gian cụ thể cho từng lần gia hạn thời hạn bảo vệ bí mật nhà nước…

Ngoài ra, dự thảo Luật cần quy định cụ thể việc giải mật, tiêu hủy bí mật nhà nước để bảo đảm việc đầu tư, sử dụng các nguồn lực bảo vệ có hiệu quả, không lãng phí. Việc tiêu hủy bí mật nhà nước cũng cần có tiêu chí cụ thể để làm căn cứ quyết định việc tiêu hủy.

Mặt khác, việc tiêu hủy bí mật nhà nước chỉ phù hợp với các tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước, không phù hợp với bí mật nhà nước là thông tin. Vì vậy, đề nghị nghiên cứu thiết kế lại khoản 1 Điều 23 để bảo đảm chặt chẽ, rõ ràng hơn và có tính khả thi, đồng thời tránh việc tiêu hủy tùy tiện.

Kỳ họp này Quốc hội thảo luận lần đầu dự án Luật, dự kiến xem xét thông qua tại kỳ họp tiếp theo. Hiện việc bảo vệ bí mật nhà nước được áp dụng theo Pháp lệnh Bảo vệ bí mật nhà nước (có hiệu lực từ năm 2001).

Nguyễn Quân

Xem thêm: