Thanh tra Chính phủ vừa có Thông báo Kết luận Thanh tra số 289/Tb-TTCP về việc thanh tra trách nhiệm của UBND tỉnh Lạng Sơn trong việc thực hiện pháp luật về thanh tra, tiếp công dân, khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng và quản lý đất đai giai đoạn 01/01/2010-31/12/2017.

Lạng Sơn, vi phạm quy định kê khai tài sản
Nhiều Sở tại Lạng Sơn vi phạm quy định kê khai tài sản. (Ảnh minh họa: shutterstock)

Kết luận nêu rõ công tác ban hành văn bản về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, thanh tra và phòng chống tham nhũng qua các năm chưa nhiều, nhất là giai đoạn 2010 – 2014; các văn bản được ban hành mới chủ yếu là tiếp thu các quy định của pháp luật, chưa cụ thể hóa các quy định của pháp luật cho phù hợp tình hình thực tiễn tại địa phương để áp dụng đối với từng ngành nghề, lĩnh vực và điều kiện cụ thể.

Việc ban hành văn bản hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc đối với đơn vị trực thuộc về công tác thanh tra, tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng chống tham nhũng chưa thường xuyên, việc giải quyết còn chậm, nhất là những vụ việc khiếu nại, tố cáo tồn đọng, phức tạp.

Về công tác tiếp công dân, trụ sở tiếp công dân của tỉnh Lạng Sơn, các Sở, ngành và huyện, thành phố chưa được đảm bảo theo quy định. Theo đó:

  • Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì thực hiện tiếp 12/96 kỳ (12%);
  • Chủ tịch UBND huyện Lộc Bình 61/182 kỳ (33,5%);
  • Chủ tịch UBND huyện Hữu Lũng 74/138 kỳ (53,6%);
  • Chủ tịch UBND huyện Bình Gia 16/59 kỳ (27%);
  • Chủ tịch UBND huyện Tràng Định 41/146 kỳ (28%);
  • Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường 01/56 kỳ (0,17%)

Việc này vi phạm khoản 5, Điều 12 và Khoản 5, Điều 13, Luật Tiếp công dân năm 2013” – kết luận nêu.

Ngoài ra, việc Chủ tịch UBND huyện, Giám đốc sở không thực hiện việc tiếp công dân định kỳ theo quy định của Luật Tiếp công dân mà giao cho cán bộ tiếp công dân thực hiện như: Chủ tịch UBND huyện Hữu Lũng giao cán bộ tiếp 38/138 kỳ (27,5%); Chủ tịch UBND huyện Bình Gia giao cán bộ tiếp 8/59 kỳ (13,5%); Chủ tịch UBND huyện Tràng Định giao cán bộ tiếp 4/146 kỳ (0,27%); Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường giao cho thanh tra viên tiếp 22/56 (39,2%) là vi phạm Điều 61, Luật khiếu nại năm 2011 và khoản 2, Điều 18 Luật Tiếp công dân năm 2013.

Cũng theo kết luận, công tác bồi dưỡng, đào tạo cán bộ làm công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo ở một số Sở, ngành chưa được quan tâm đúng mức, năng lực chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng chưa đáp ứng được yêu cầu, hiệu quả đạt được chưa cao.

Đối với công tác xử lý đơn thư và giải quyết khiếu nại, tố cáo, cơ quan thanh tra cho hay, công tác phân loại, xử lý đơn thư và theo dõi, kiểm tra, đôn đốc việc giải quyết của các đơn vị tại Ban tiếp công dân thuộc UBND tỉnh chưa được thường xuyên, kết quả còn hạn chế.

Công tác xử lý đơn thư còn chưa đảm bảo theo quy định; việc tiếp nhận, theo dõi đơn thư tại một số Sở còn chưa đúng mẫu; xử lý, phân loại đơn thư còn nhầm lẫn, chưa chính xác; Trong giải quyết khiếu nại, tố cáo còn vi phạm về trình tự, thủ tục; Một số vụ việc khiếu nại, tố cáo quá trình xem xét, giải quyết còn chậm…

Bên cạnh đó, việc xây dựng kế hoạch thanh tra còn chưa bám sát nội dung hướng dẫn của Luật; Số lượng các cuộc thanh tra theo kế hoạch còn chưa nhiều, chưa chú trọng thực hiện các cuộc thanh tra hành chính đối với lĩnh vực được giao quản lý và thanh tra trách nhiệm của thủ trưởng cơ quan, đơn vị.

Tại một số đơn vị như: Sở Nội vụ, Văn hóa Thể thao và du lịch, Lao động Thương binh và xã hội, Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, huyện Tràng Định, huyện Bình Gia, huyện Lộc Bình, UBND TP. Lạng Sơn, quá trình tiến hành thanh tra một số cuộc chưa thực hiện đầy đủ các quy định về trình tự thủ tục; tiến độ thực hiện còn chậm so với kế hoạch tiến hành thanh tra; thực hiện quá thời hạn thanh tra nhưng không có quyết định điều chỉnh như: Sở Công Thương, UBND TP.Lạng Sơn; một số kết luận thanh tra ban hành chậm, không đảm bảo thời gian theo quy định.

Về công tác phòng chống tham nhũng, một số Sở, ngành, địa phương như: Sở Văn hóa Thể thao và du lịch, Cục thuế, UBND huyện Hữu Lũng, UBND huyện Tràng Định, UBND huyện Bình Gia chưa ban hành quy tắc ứng xử, quy tắc đạo đức nghề nghiệp riêng của đơn vị theo quy định.

Việc thực hiện kê khai tài sản thu nhập của một số đơn vị còn sai sót như: chưa có Biên bản bắt đầu niêm yết công khai tại Sở Xây dựng; một số bản kê khai không đúng mẫu tại các Sở Công Thương, Xây dựng; một số bản kê khai nộp chậm tại các Sở Công Thương, Y tế, Giáo dục và Đào tạo, Kế hoạch và Đầu tư; ghi không đầy đủ các thông tin chung về con cái, chưa mô tả đầy đủ thông tin về tài sản, về đất đai; ghi tổng thu nhập không đúng theo mẫu, có trường hợp không ghi, có trường hợp chỉ ghi thu nhập của mình mà không ghi thu nhập của người trong gia đình…

Việc thực hiện các quy định về chuyển đổi vị trí công tác của cán bộ, công chức, viên chức nhằm phòng ngừa tham nhũng đã được các cơ quan, đơn vị xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện. Tuy nhiên hiệu quả chưa cao, đối với cấp huyện, cấp Sở việc chuyển đổi còn ít, không đúng theo kế hoạch chuyển đổi, chưa đảm bảo quy định tại Điều 43 Luật phòng chống tham nhũng và Nghị định 150/2013/NĐ-CP ngày 1/11/2013 của Chính phủ.

Từ đó, Thanh tra Chính phủ đã kiến nghị UBND tỉnh Lạng Sơn kiểm điểm trách nhiệm về việc Chủ tịch UBND tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố và Giám đốc các sở, ngành không thực hiện tiếp công dân đầy đủ giai đoạn 2010-2017; đặc biệt Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Lạng Sơn không thực hiện tiếp công dân định kỳ tại 22 kỳ.

Tỉnh Lạng Sơn phải chỉ đạo các sở ngành, huyện, thành phố chấn chỉnh những tồn tại, hạn chế trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo và thanh tra, phòng chống tham nhũng.

Phạm Toàn