Đó là chia sẻ của GS-TS Phạm Quang Minh, Hiệu trưởng trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn, ĐH Quốc gia Hà Nội về vấn đề cử nhân thất nghiệp.

that nghiep e1520747664297
Ảnh chế sinh viên ra trường thất nghiệp của cư dân mạng (Ảnh: tapchitrithuc.com)

Tại Hội thảo Giáo dục 2018 (VEC 2018) với chủ đề “Giáo dục đại học – Chuẩn hóa và hội nhập quốc tế” được tổ chức ngày 17/8 ở Hà Nội, tình trạng sinh viên ra trường không có việc làm được các diễn giả tranh luận sôi nổi.

Thống kê của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cho biết, tính đến năm 2017, có hơn 200.000 cử nhân thất nghiệp và có khoảng 60% sinh viên ra trường làm trái ngành.

Nhiều người cho rằng số cử nhân không có việc làm tăng mỗi năm là do chất lượng giáo dục đại học của Việt Nam chưa cao, chưa đào tạo được nguồn nhân lực đáp ứng được yêu cầu của thị trường. Cũng vì lý do này mà không ít gia đình sẵn sàng bỏ tiền tỉ cho con em ra nước ngoài du học.

Tuy nhiên theo GS-TS Phạm Quang Minh, Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia Hà Nội), vấn đề cử nhân thất nghiệp cần nhìn từ hai phía, không thể đổ lỗi hết cho các trường đại học mà còn cần nhìn vào cơ chế tuyển dụng hiện nay.

“Người ta phê bình rất nhiều giáo dục đại học đào tạo ra những cử nhân, nhà khoa học không xin được việc, không đáp ứng được yêu cầu của xã hội, của thị trường. Điều này đúng nhưng chỉ đủ một phần. Tôi nhìn từ góc độ nền kinh tế, xã hội của chúng ta thấy đầy sự bất công, khiếm khuyết.

Rất nhiều sinh viên của chúng tôi, dù rất giỏi nhưng ra trường không tìm được việc. Vì các em không có quan hệ, không có nguồn lực về kinh tế, không có một cái “ô” nào. Còn người không giỏi lại có việc làm tốt, vì có quan hệ, có ô dù.

Rõ ràng hiện vẫn còn tồn tại sự không bình đẳng, sự bất công trong tuyển dụng: Giáo dục đại học đã và đang nỗ lực đào tạo ra những người giỏi, con người tốt, nhưng nghịch lý là người giỏi, người tốt cơ hội việc làm lại không tốt,” Giáo sư Phạm Quang Minh chia sẻ.

Ông Minh cũng cho rằng khi một xã hội đánh giá con người chưa dựa vào năng lực, còn nhiều bất cập thì không thể đỗ lỗi hết cho các trường đại học là đào tạo chưa tốt.

Cũng theo GS-TS Phạm Quang Minh, con số 200.000 cử nhân thất nghiệp còn liên quan đến nhận thức của toàn xã hội, về việc coi trọng bằng cấp, khoa cử.

“Nhiều người vẫn có quan niệm phải học đại học mới có việc, hay chỉ làm ở cơ quan nhà nước mới gọi là có việc, mới ổn định.

Theo thống kê của chúng tôi, phần lớn sinh viên hiện nay ra trường không làm việc ở cơ quan nhà nước, mà làm ở khu vực tư nhân, liên doanh liên kết rất nhiều. Các em vẫn thành công, kể cả những học sinh không vào đại học,” ông Minh chia sẻ.

Cũng liên quan đến vấn đề coi trọng bằng cấp, đại diện trường ĐH Nguyễn Tất Thành chỉ ra quan niệm trọng bằng cấp còn ảnh hưởng vào các quy định của nhiều cơ quan, ban, ngành và điều này làm khó cho các trường đại học trong công cuộc tiến tới tự chủ.

Đại diện trường ĐH Nguyễn Tất Thành đã dẫn ví dụ về tình trạng nhiều trường đại học muốn đưa các lãnh đạo doanh nghiệp vào trường để giảng dạy, truyền kinh nghiệm cho sinh viên, nhưng bị vướng quy định là giảng viên đại học phải có bằng thạc sĩ trở lên, trong khi nhiều giám đốc không có những bằng cấp này. Quy định này gây khó khăn cho các trường.

Ông Nguyễn Đức Hoàng – đại diện Hội Trí thức Khoa học và Công nghệ Trẻ, cũng đồng tình với các diễn giả về vấn đề coi trọng bằng cấp trong dạy và học hiện nay. Ông đã đưa ra dẫn chứng về nhiều tỉ phú thế giới hiện nay không có bằng đại học, để nhấn mạnh quan điểm “không nhất thiết phải có bằng đại học mới thành công”.

Bảo Minh (t/h)

Xem thêm: