Nhà báo Tạ Bích Loan đăng ký hiến mô/tạng sau khi chết/chết não tại Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người.

nha bao ta bich loan dang ky hien tang
Nhà báo Tạ Bích Loan và BTV Quách Thị Mỹ Linh tại Trung tâm. (Ảnh: TTĐPGTQG)

Chiều 23/3, Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người cho biết nhà báo Tạ Bích Loan và BTV Quách Thị Mỹ Linh đã đến Trung tâm đăng ký hiến mô/tạng sau khi chết/chết não.

Tại buổi gặp gỡ, Phó giám đốc Trung tâm Nguyễn Hoàng Phúc đã chia sẻ với hai chị nhiều câu chuyện xúc động về các trường hợp đã hiến tạng.

Nhà báo Tạ Bích Loan và BTV Quách Thị Mỹ Linh đã đăng ký hiến tạng với hy vọng nếu không may mình chết não hoặc qua đời, những bộ phận trên cơ thể mình sẽ cứu được những người khác, còn mình sẽ tiếp tục được sống thêm một lần nữa để cống hiến cho cuộc đời.

Trước đó, theo Trung tâm, từ ngày 25/2 đến 6/3/2018, 58 bác sỹ nội trú và các sinh viên cao học ĐH Y Hà Nội đã đăng ký hiến tạng, nâng tổng số người đăng ký hiến tạng thành 765 người.

Số người đăng ký hiến tạng đã tăng lên nhanh chóng kể từ ngày 26/2 – sau khi ca phẫu thuật ghép giác mạc của bé Nguyễn Hải An (7 tuổi) cho hai bệnh nhân được thực hiện thành công.

Theo thông tin từ Ngân hàng Mắt Trung ương, năm 2017, ngân hàng có 77 ca hiến tặng. Kể từ ngày 1/1/2018 đến đầu tháng 3/2018, ngân hàng nhận được 13 ca hiến, trong đó, chỉ riêng trong 11 ngày kể từ ngày 25/2, ngân hàng nhận được 4 ca hiến giác mạc với 8 giác mạc được lấy thành công.

Hiến tạng và thủ tục hiến tạng như thế nào?

Theo GS.TS Trịnh Hồng Sơn (Giám đốc Trung tâm Điều phối Quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người), thủ tục hiến xác và nội tạng khá đơn giản. Người hiến đủ 18 tuổi, có đủ năng lực hành vi dân sự là có thể đăng ký. Bạn chỉ cần điền vào mẫu văn bản tình nguyện hiến tặng thân xác, và cùng người làm chứng (người thân trong gia đình) ký tên.

Hầu hết các cơ sở y tế trên cả nước đều có thể tiếp nhận đơn đăng ký hiến tạng. Người có nguyện vọng hiến tạng nhưng có thắc mắc có thể liên hệ Trung tâm Điều phối Quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người (http://moh.gov.vn) hoặc đơn vị điều phối tại BV Chợ Rẫy (TP.HCM)… để được giải đáp, tư vấn.

Việc hiến tạng/xác khi chết và chết não là đối tượng chính trong công tác truyền thông của Trung tâm. Ngành y tế không khuyến khích việc hiến tạng từ người sống.

Có hơn 18 cơ quan trong cơ thể có thể được sử dụng để cấy ghép như: tim, gan, thận, phổi… Những người cao tuổi cũng có thể hiến một phần mô, tạng (gan, thận, giác mạc…) sau khi chết/chết não.

Việc hiến xác hay nội tạng dựa trên tinh thần tự nguyệnTrước khi thực hiện lấy nội tạng để cấy ghép, đội ngũ bác sĩ sẽ phải thực hiện các bước kiểm tra nghiêm ngặt tình trạng cơ thể người hiến. Người mắc các bệnh như HIV, viêm gan, lao… không đủ điều kiện để tham gia hiến tạng.

Việc hiến tạng phải được thực hiện ngay khi sau người hiến qua đời do gặp tai nạn, chết não, tim, hệ tuần hoàn đã ngừng hay không còn cơ hội hồi phục.

Hầu hết các cơ quan nội tạng như gan, thận, tim… đều chỉ bảo quản được từ vài giờ, đến không quá một ngày.

Có thể hiến tạng khi còn sống, gồm hiến thận hoặc một phần gan mà không ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe. Người hiến tạng khi còn sống sẽ được cấp thẻ bảo hiểm y tế, khám sức khỏe định kỳ hoàn toàn miễn phí.

Việt Nam hiện có khoảng 6.000 người được chỉ định ghép thận, 1.500 người cần ghép gan và khoảng 6.000 người đang chờ ghép giác mạc.

Hiến và ghép tạng không nhằm mục đích thương mại. Việc mua bán nội tạng như gan, thận… là hành vi vi phạm luật pháp Việt Nam và quốc tế.

Diệp Thu (T/h)

Xem thêm: