Chiều 31/3, lý giải rõ hơn các yêu cầu trong Chỉ thị 16 vừa được Thủ tướng ban hành, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng – Người phát ngôn Chính phủ, khẳng định yêu cầu cách ly xã hội không phải là phong tỏa đất nước như một số quốc gia đã làm.

bệnh viện bạch mai, phong tỏa
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trao đổi với lãnh đạo Bộ Y tế về tình hình Bệnh viện Bạch Mai trong cuộc họp sáng 30/3. (Ảnh: VGP)

Ông Dũng cho biết tùy thuộc vào diễn biến của dịch bệnh, Chính phủ sẽ đưa ra các khuyến cáo, yêu cầu ở mức độ phù hợp. Dịch bệnh diễn biến phức tạp hơn, các yêu cầu, chỉ đạo sẽ ở cấp cao hơn. Nếu dịch vẫn tiếp tục diễn biến xấu, lây lan mạnh mẽ trong cộng đồng thì phải có sắc lệnh cao hơn và nghiêm ngặt hơn nữa. Nhưng muốn thực hiện hiệu quả các giải pháp đó, phải chuẩn bị và “đi từng bước”.

“Đây là những dự lệnh, những khuyến cáo, hạn chế, yêu cầu mà lãnh đạo Chính phủ đưa ra, chưa phải lệnh cấm”, Bộ trưởng Dũng giải thích.

Ông Dũng dẫn chứng Chính phủ vẫn đồng ý cho nhà máy, phân xưởng hoạt động nhưng yêu cầu cán bộ văn phòng, cơ quan hành chính Nhà nước, doanh nghiệp có thể ứng dụng công nghệ thông tin làm việc tại nhà. Tại Văn phòng Chính phủ, hiện đã quyết định cho 50% cán bộ với khoảng hơn 300 người làm việc ở nhà. Những người bắt buộc đến công sở phải đảm bảo ngồi cách nhau 2 m, khi ăn mỗi người một bàn.

Tuy nhiên, với những nhà máy, công xưởng có hàng chục nghìn lao động, chỉ cần lơi lỏng, không kiểm soát tốt, để xảy ra 1 trường hợp lây nhiễm cũng phải đóng cửa ngay lập tức, tránh lây nhiễm chéo và lây lan ra cộng đồng.

Ông Dũng cho hay những ngày qua, Chính phủ và các bộ ngành liên tiếp đưa ra khuyến cáo về việc không tập trung đông người, nhưng ở một số địa phương, như Nha Trang vẫn còn tình trạng hàng nghìn người tập trung tắm biển bất chấp diễn biến phức tạp của dịch.

Với yêu cầu không tụ tập trên 2 người ngoài công sở, bệnh viện, trường học và các nơi công cộng, theo ông Dũng, đó là thông điệp mạnh mẽ hơn so với cách đây 4 ngày khi yêu cầu không tụ tập trên 10 người. Điều này truyền đi thông điệp rằng mong mọi người dân nên ở nhà trong giai đoạn cao điểm, hạn chế đi ra ngoài, tụ tập đông người vì tình hình bây giờ đã khác 4 ngày trước.

Về quyết định tạm đóng cửa biên giới Lào, Campuchia, Người phát ngôn Chính phủ nhận định do tình hình tại các nước này phức tạp hơn, người Việt Nam ở các nước này đang có xu hướng về nước, đường hàng không đã cấm nên họ về bằng đường bộ qua biên giới. Vì vậy, đóng cửa biên giới là giải pháp mạnh để có thể kiểm soát tốt tình hình.

Tính đến 6h sáng ngày 31/3, 28/204 ca nhiễm viêm phổi Vũ Hán (COVID-19) tại Việt Nam liên quan đến Bệnh viện Bạch Mai – đây được coi là ổ dịch lớn nhất cả nước.

Ngoài ra, với ước tính khoảng 40.000 người ra vào Bệnh viện Bạch Mai trong từ ngày 10/3 đến khi phong tỏa hoàn toàn vào rạng sáng 28/3, khoảng 5.113 bệnh nhân đã được chuyển về các tỉnh sau ngày 20/3, kết hợp yếu tố bệnh nhân nặng, sức đề kháng kém, Bệnh viện Bạch Mai được xác định là nguồn lây nhiễm lớn tại Hà Nội và nhiều tỉnh, thành phố.

Tuy nhiên, mặc dù bệnh viện đã áp dụng phong tỏa từ 28/3, Bộ Y tế cho biết do đây là tuyến cuối, lớn nhất cả nước, ước tính mỗi ngày vẫn còn hàng chục bệnh nhân nặng (cấp cứu, hồi sức tích cực, chống độc, ECMO…) cần chuyển đến Bệnh viện Bạch Mai, nếu không tiếp nhận, cấp cứu, điều trị thì có khoảng 80% bệnh nhân trong số này sẽ tử vong…

Ngoài ra, để bảo đảm không để dịch bệnh lây lan từ Bệnh viện Bạch Mai thì yêu cầu Bệnh viện Bạch Mai phải tiếp tục tiếp nhận các bệnh nhân nặng không thể chuyển sang các bệnh viện tuyến Trung ương khác hay bệnh viện ở Hà Nội để cứu chữa.

Do đó, Bộ Y tế đề nghị Bệnh viện Bạch Mai không thể dừng tiếp nhận bệnh nặng, không thể ngừng điều trị. Khái niệm cách ly toàn bộ “nội bất xuất, ngoại bất nhập” đang áp dụng đối với Bệnh viện Bạch Mai cần phải điều chỉnh lại cho phù hợp.

Đến sáng 30/3, có trên 1.500 nhân viên y tế Bệnh viện Bạch Mai làm việc tại bệnh viện, chăm sóc, điều trị cho gần 800 bệnh nhân, hầu hết là bệnh nhân nặng.

Sơn Nguyên