Trong cơn lũ khủng khiếp mấy ngày qua ở các tỉnh miền Trung, đã có 12.000 ngôi nhà ngập sâu trong nước, 16 người thiệt mạng, thiệt hại về gia súc, gia cầm, vật nuôi và hoa màu rất lớn. Người dân nơi đây đang rất khó khăn, vật lộn với cái đói, cái rét, nhưng dự báo khẩn cấp là mưa vẫn tiếp tục, các hồ đập thủy điện vẫn tiếp tục xả lũ.

Trong khi chờ nước rút hẳn, người dân ở Quảng Nam phải dùng ghe để vận chuyển rơm rạ lên chỗ cao cho gia súc ăn. Ảnh vnexpress.net
Trong khi chờ nước rút hẳn, người dân ở Quảng Nam phải dùng ghe để vận chuyển rơm rạ lên chỗ cao cho gia súc ăn. (Ảnh: vnexpress.net)

Đây không hẳn chỉ là thiên tai, hiện tại đang là mùa khô, ít xảy ra mưa lũ, nhưng  thời tiết thất thường  khiến mưa to kéo dài, lại cộng thêm các hồ đập thủy điện lại xả nước tạo thêm “nhân họa”. Hiện tại, vẫn đang có 14 hồ thủy điện xả lũ.

Theo tin lũ khẩn cấp của Trung tâm khí tượng thủy văn quốc gia thì, trong 12 giờ vừa qua (tính đến 01 giờ ngày 07/12), ở khu vực từ Thừa Thiên-Huế đến Khánh Hòa đã có mưa vừa, mưa to (phổ biến 20-50mm), riêng Quảng Ngãi và Bình Định mưa to đến rất to (phổ biến 100-150mm).

Dự báo, từ ngày 7 đến chiều ngày 8/12 ở các tỉnh từ Thừa Thiên-Huế đến Khánh Hòa tiếp tục có mưa, mưa vừa với tổng lượng mưa phổ biến 30-80mm, riêng khu vực Quảng Nam đến Khánh Hòa mưa to đến rất to với tổng lượng mưa phổ biến khoảng 100-200mm, có nơi trên 200mm.

Trong khi theo báo thời của Chi cục Phòng chống thiên tai miền Trung – Tây Nguyên, thì mực nước trên các con sông từ Thừa Thiên – Huế đến Bình Định sẽ có nguy cơ lên cao từ sáng 6/12.

Thiệt hại rất lớn cho đời sống và sản xuất

Thiệt hại kinh hoàng, theo thống kê sơ bộ chỉ riêng đợt lũ này đến ngày 6/12 đã có 16 người thiệt mạng do mưa lũ, trong đó tại tỉnh Bình Định có 6 người,  Quảng Ngãi có 5 người thiệt mạng và Quảng Nam có 5 người thiệt mạng và còn hàng chục người bị thương.

mua-lu-tai-huyen-tay-son-binh-dinh-fb-suu-nhi
Mưa lũ ở huyện Tây Sơn, Bình Định. (Ảnh: facebook)

Sơ bộ, khoảng 12.000 căn nhà ngập sâu trong nước, rất nhiều nhà sập đổ hoàn toàn. Đồng thời có nhiều trường học, trạm y tế bị hư hỏng, một số nơi học sinh phải nghỉ học. Tuy không ngập đến nóc như đợt ngập ở Quảng Bình hồi tháng 10/2016, do thủy điện Hố Hô xả lũ, nhưng mưa lũ kéo dài kéo theo sạt lở khiến nhiều nơi chìm trong biển nước dài ngày, có nơi chìm sâu từ 1-1,5 mét.

Mọi hoạt động tại các địa phương này đều dừng lại để phòng chống lũ và lo giải quyết cuộc sống tạm thời. Người dân đã sơ tán tránh lũ nhưng thiệt hại về tài sản là quá lớn.

Cụ thể, đến 6/12, tại Bình định là tỉnh ngập sâu, thiệt hại nhất có hơn 13.000 ha lúa, hoa màu bị ngập gây hư hại hoàn toàn, gần 19.000 gia súc gia cầm bị chết hoặc bị lũ cuốn trôi. Nhiều tuyến giao thông tại tỉnh Bình Định vẫn đang bị ngập và sạt lở.

Tại Quảng Nam, một phần tuyến đường độc đạo tại xã Duy Vinh đã bị lũ cuốn trôi khiến 300 hộ dân bị cô lập. Khoảng 7h sáng ngày 6/12, thủy điện Đăkđrinh, hồ chứa thủy điện lớn nhất tỉnh Quảng Ngãi đang tiến hành xả lũ.

Mưa lũ cũng làm hàng ngàn  ha lúa Đông xuân, hoa màu của Quảng Ngãi, Thừa Thiên Huế bị thiệt hại hoàn toàn.

Mưa lớn làm nhiều tuyến đường nội thành tỉnh Quảng Nam ngập gần 1m, còn vùng ở ngoại thành dân phải di chuyển bằng ghe. (Ảnh: vnexpress.net)
Mưa lớn làm nhiều tuyến đường nội thành tỉnh Quảng Nam ngập gần 1m, còn vùng ở ngoại thành dân phải di chuyển bằng ghe. (Ảnh: vnexpress.net)

2 người dân bị lũ cuốn ở Quảng Ngãi trong 1 ngày

Thông tin cho biết chiều ngày 6/12, ông Ngô Đức Hiệp (47 tuổi) chở con trai 6 tuổi từ TP Quảng Ngãi về quê, cách trung tâm khoảng 13 km, đến gần cầu Bờ Đắp, xã Hành Đức, huyện Nghĩa Hành thì bị dòng lũ dâng cao chảy xiết, cuốn hai cha con ngã nhào. Rất may, em bé được mọi người phát hiện, cứu kịp thời, còn ông Hiệp bị nước cuốn mất tích.

Cũng sáng ngày 6/12, ông Hồ Văn Lâm (45 tuổi) lội qua suối ở xã Sơn Nham, huyện Sơn Hà cũng bị nước lũ cuốn trôi, đã được người dân tìm thấy thi thể. Đây chỉ là trong 1 ngày, tại 1 tỉnh mà đã có 2 cái chết thương tâm vì mưa lũ.

Giao thông ngưng trệ nhiều nơi

Về tình hình giao thông, tại các tỉnh nói trên đã có nhiều tuyến đường, cầu cống kể cả quốc lộ số 1 bị sạt lở, hư hại nghiêm trọng gây tắc nghẽn, một số địa phương bị cô lập do đứt giao thông.

Sáng 6/12, do ảnh hưởng mưa dài ngày kèm lũ từ thượng nguồn đổ về dồn dập đã cuốn sập một nhịp dài 7 m của cầu Vĩnh Hy, huyện Ninh Hải,  Ninh Thuận. Đây là cây cầu bê tông, dài 100 m bắc qua suối Lồ Ô, là cầu duy nhất để vào người dân Vĩnh Hy.

Nhịp dài 7 m của cầu Vĩnh Hy, Ninh Thuận bị cuốn sập. Ảnh: An Phước - vnexpress.net
Nhịp dài 7 m của cầu Vĩnh Hy, Ninh Thuận bị cuốn sập. (Ảnh: An Phước/vnexpress.net)

Lũ chồng lũ

Ngay trước cơn lũ này, miền Trung cũng hứng chịu hai đợt mưa lũ kinh hoàng. Đợt 1 từ 13 đến 18/10, đợt 2 từ 30/10 đến 7/11 đã gây thiệt hại rất lớn, làm 65 người chết và mất tích, 191.084 nhà bị ngập nước hư hỏng, 22.151 ha lúa bị ngập, hư hại… Tổng thiệt hại về vật chất ước tính trên 7.198 tỷ đồng.

Đây là con số thiệt hại rất lớn, nhưng cũng chưa thể thống kê hết được, vì lũ lên nhanh quá, người dân chỉ kịp di chuyển những tài sản có giá trị. Còn lại gà, vịt, lợn, trâu bò, gia súc cùng những vật dụng khác thì bị cuốn trôi theo dòng lũ.

Thiệt hại về hoa màu cũng rất lớn, hàng chục ngàn ha lúa đông xuân và các loại sản phẩm phục vụ tết như cây cảnh, cây ăn trái…cũng bị hư hỏng nặng do nước lũ. Để khôi phục lại sản xuất, người nông dân là cần phải có thời gian và vốn liếng.

Còn những thiệt hại về người thì không thể bù đắp được. Người dân miền trung vốn đã nghèo khổ, nay lại càng khốn khó hơn.

Với 3 đợt mưa lũ liên tục vào thời điểm cuối năm, người dân thêm lo lắng khi mà đã sắp đến thời điểm đón tết. Nhìn những căn nhà trống toác do của cải đã bị cuốn trôi dần theo 3 đợt lũ liên tục, nhiều người chạnh lòng cảm nhận được thân phận chạm đáy của mình trong xã hội.

Tâm Sáng

Xem thêm: