Cienco 4 khẳng định vị trí đặt trạm thu phí Bến Thủy 1 hiện nay là phương án tối ưu, nếu di dời sẽ phá vỡ quy định về khoảng cách tối thiểu (70km) giữa các trạm thu phí cùng trên một tuyến đường.

Người dân đưa khoảng 30 ô tô lên dừng đỗ, dán băng rôn tại đầu cầu Bến Thủy (Hà Tĩnh) để phản đối việc thu phí hôm 3/12. (Ảnh: FB Đức Cầu Bùng)
Người dân đưa khoảng 30 ô tô lên dừng đỗ, dán băng rôn tại đầu cầu Bến Thủy (Hà Tĩnh) để phản đối việc thu phí hôm 3/12. (Ảnh: FB Đức Cầu Bùng)

Theo Phó tổng giám đốc Cienco 4 – ông Ngô Trọng Nghĩa, hiện tại trạm thu phí Bến Thủy 1 cách trạm thu phí Hoàng Mai (Km383+600, QL1) 83,5km và cách trạm thu phí cầu Rác (Km 539+100, QL1) 72km. Do đó, vị trí đặt trạm thu phí Bến Thủy 1 hiện là phương án tối ưu, đảm bảo phù hợp về khoảng cách tối thiểu (70km) giữa hai trạm thu phí trên cùng một tuyến đường theo quy định tại văn bản số 1237/TTg-KTN.

Nếu đặt trạm thu phí ở các vị trí khác sẽ ảnh hưởng đến lưu lượng xe, nguồn thu không đảm bảo dẫn tới phương án tài chính của dự án bị phá vỡ, nhà đầu tư không đủ trả nợ khiến ngân hàng cho vay vốn gặp rủi ro – Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc công ty Xây dựng công trình giao thông 4 (Cienco 4) – ông Nguyễn Tuấn Huỳnh nói.

Người đứng đầu Cienco 4 cho biết việc di chuyển trạm thu phí ước tính khoảng trên 100 tỷ đồng, trong khi lượng xe qua hai trạm thu phí cầu Bến Thủy chủ yếu là các phương tiện chạy tuyến Bắc – Nam, còn xe của người dân địa phương huyện Nghi Xuân đi lại sang TP.Vinh chiếm tỷ trọng rất ít.

Trước đó, trong ba ngày liên tiếp từ ngày 3 tới 5/12, người dân huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) đã đi hàng chục ô tô rồi dừng đỗ ngay đầu cầu Bến Thủy 1 (phía huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh) làm ách tắc giao thông để phản đối việc phu thí BOT Bến Thủy.

Theo người dân, việc đặt trạm thu phí cầu Bến Thủy 1 do Cienco 4 đang quản lý, khai thác là không hợp lý. Các phương tiện đi lại của người dân ở huyện Nghi Xuân (trừ xã Xuân Lĩnh),… khi qua cầu Bến Thủy 1 và Bến Thủy 2 không tham gia giao thông trên QL1, tuyến tránh TP.Vinh (Nghệ An) và QL1 đoạn Nam Bến Thủy – tránh TP.Hà Tĩnh, nhưng vẫn phải trả phí. Người dân cho rằng họ không đi mét đường BOT nào của Cienco 4 nhưng vẫn phải đóng phí. Mức phí hiện tại là 40.000 đồng/lượt đối với xe ô tô 12 chỗ ngồi.

Vị trí hai trạm thu phí Bến Thuỷ 1 và 2 và tuyến tránh Vinh (Nghệ An). (Bản đồ: Google Map. Đồ họa: Hữu Quân/phapluatplus.vn)
Vị trí hai trạm thu phí Bến Thuỷ 1 và 2 và tuyến tránh Vinh (Nghệ An). (Bản đồ: Google Map. Đồ họa: Hữu Quân/phapluatplus.vn)

Tuyến tránh TP Vinh đoạn qua xã Hưng Lợi (TP. Vinh) được Cienco 4 hoàn thành và đưa vào khai thác từ ngày 19/1/2014. Tuy nhiên, sau khi đưa vào sử dụng chưa lâu thì con đường bị hằn lún nghiêm trọng. Dù Cienco 4 đã nhiều lần sửa chữa đoạn đường quốc lộ 1A nhưng ‘vá’ xong lại lún. Thậm chí có những đoạn bị lún nặng tạo thành 4 đến 5 gờ sống trâu gây khó khăn và nguy hiểm cho phương tiện khi lưu thông, đặc biệt vào mùa mưa.

Trong khi chất lượng đường không được đảm bảo, thì chỉ trong vòng 18 tháng (tháng 6/2014 đến ngày 1/1/2016), hai trạm thu phí cầu Bến Thủy 1 và cầu Bến Thủy 2 có khoảng cách chưa đến 2km đã 2 lần tăng giá vé. Dù tới ngày 20/11 có điều chỉnh, nhưng mức tăng vẫn từ 12,5% đến cao nhất là 50%.

Nhiều người dân huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) phản ứng vì trước đây cầu Bến Thủy 1 được đầu tư bằng vốn nhà nước và miễn phí. Nay, sau khi được thi công sửa chữa bằng nguồn vốn dư của dự án nâng cấp mở rộng QL1A đoạn Nam Bến Thủy – tuyến tránh TP Hà Tĩnh, thì bị thu phí tại trạm thu phí đặt tại đầu cầu. Theo phân tích của người dân, những người hàng ngày chỉ đi lại trên cầu Bến Thủy 1 (cũ) không hề sử dụng các công trình mà Cienco4 đã đầu tư; như vậy đóng phí là bất hợp lý.

Nguyễn Quân (T/h)

Xem thêm: