Ngành Giáo dục vẫn loay hoay với quy hoạch giáo viên các cấp học ở các địa phương.

giao duc viet nam
Bậc tiểu học thiếu 18.950 giáo viên. (Ảnh: J. Nguyen)

Theo thống kê của Bộ GD&ĐT tại 43 tỉnh, thành phố, tính đến tháng 8/2018, cả nước thiếu 75.980 giáo viên các cấp so với định mức giáo viên/lớp theo quy định.

Trong đó, bậc mầm non thiếu nhiều nhất: 43.730 giáo viên; bậc tiểu học: thiếu 18.950 giáo viên; bậc THCS thiếu 10.140 giáo viên (thiếu cục bộ ở một số địa phương) nhưng cả nước lại thừa 12.000 giáo viên; bậc THPT thiếu 3.160 giáo viên.

Lý giải về nguyên nhân dẫn đến tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ ở một số địa phương, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ cho hay do việc xây dựng quy hoạch, dự báo nhu cầu về giáo viên của các địa phương không kịp thời hoặc không hiệu quả.

Việc giao biên chế, tuyển dụng, quản lý viên chức ngành Giáo dục (giáo viên, nhân viên trong và ngoài biên chế) không được giao cho ngành Giáo dục chủ trì mà thuộc thẩm quyền của UBND các cấp và ngành Nội vụ, do đó ngành giáo dục không chủ động được việc điều tiết số lượng, cơ cấu giáo viên theo môn học, cấp học dẫn đến tình trạng thừa, thiếu giáo viên giữa các cấp học trong cùng một địa phương.

Đặc biệt, một số nơi đã vi phạm nghiêm trọng quy định của pháp luật về tuyển dụng, phân công giáo viên như vụ việc hợp đồng lao động đối với các giáo viên ở huyện Krông Pắk (Đắk Lắk).

Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ cũng cho hay việc thừa/thiếu giáo viên ở một số địa phương là do biến động về quy mô trường/lớp khi cơ cấu lại các trường hoặc do tăng dân số cơ học tại các khu vực trung tâm, thành phố lớn, khu công nghiệp.

Bên cạnh đó, trong những năm qua, tổng biên chế của các tỉnh có xu hướng giảm (do thực hiện tinh giản biên chế) trong khi số lượng giáo viên tuyển ở các cấp trên (đặc biệt là THCS và THPT) có xu hướng thừa so với nhu cầu, do đó không còn biên chế cho cấp học mầm non.

Để khắc phục tình trạng này, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ cho hay Bộ GD&ĐT đã yêu cầu rà soát, quy hoạch mạng lưới trường/lớp, không để những trường quy mô nhỏ, những lớp có số lượng học sinh không đủ theo định mức để điều tiết giáo viên từ những trường thừa sang những trường/lớp thiếu giáo viên; ưu tiên sắp xếp biên chế của các địa phương để tuyển dụng giáo viên, không để xảy ra tình trạng có học sinh mà không có giáo viên dạy học.

Hiện Chính phủ đã giao Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với các bộ – ngành trong đó có Bộ GD&ĐT, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổng hợp, rà soát về dân số, số lượng học sinh, số lượng giáo viên cả biên chế và hợp đồng từ năm 2015 – 2018 để báo cáo Chính phủ và đề xuất phương án giải quyết.

Khởi Nguyên (T/h)

Xem thêm: