Bộ Công Thương vừa có báo cáo thực hiện Nghị quyết của Quốc hội trong đó đề cập tới tình hình tài chính, kết quả xử lý và khắc phục tại 12 dự án thua lỗ nghìn tỷ.

damhabac
Công ty cổ phần Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc (Ảnh dẫn qua Thời báo tài chính VN)

Sau hơn một năm triển khai thực hiện xử lý các tồn tại, yếu kém của 12 dự án, mặc dù hoạt động của các nhà máy, doanh nghiệp đã có chuyển biến, tuy nhiên, tổng nợ và tổng lỗ vẫn đang tăng lên từng ngày do nhiều dự án đắp chiếu không trả được nợ.

Cập nhật tới 31/12/2017, tổng vốn chủ sở hữu của 12 dự án âm 33,41 tỷ đồng, giảm hơn 4.018 tỷ so với cùng kỳ 2016; tổng nợ phải trả hơn 58.504 tỷ (tăng 3.440 tỷ so với 2016). Ngoài 317,5 tỷ đồng lỗ lũy kế giảm tại 2 dự án Nhà máy gang thép Việt Trung (VTM) và Nhà máy sản xuất phân bón DAP 1 – Hải Phòng, 10 dự án còn lại đang “gánh” lỗ lũy kế tới 18.678 tỷ, tăng 2.552 tỷ so với 2016.

Liên quan đến dư nợ tín dụng tại các ngân hàng thương mại và tổ chức tín dụng, Bộ Công Thương cho biết với những chuyển biến tốt trong tình hình sản xuất kinh doanh, dư nợ cấp tín dụng đối với các chủ đầu tư có xu hướng giảm đối với dư nợ tín dụng trung, dài hạn và dư nợ tín dụng ngắn hạn.

Tính đến hết tháng 1/2018, tổng số dư cấp tín dụng là 20.800 tỷ đồng, giảm 193 tỷ đồng so với thời điểm tháng 2/2017.

Đáng lưu ý, một số dự án có dư nợ cấp tín dụng giảm như Dự án khai thác và tuyển quặng sắt mỏ Quý Xa và Dự án nhà máy gang thép Lào Cai (-466 tỷ đồng); Dự án nhà máy sản xuất đạm Ninh Bình (-139 tỷ đồng) và Dự án nhà máy sản xuất phân bón DAP số 2 – Lào Cai (-117 tỷ đồng).

Mặc dù vậy, Bộ Công Thương thừa nhận, dư nợ cấp tín dụng vẫn ở mức cao. Dư nợ tín dụng lớn nhất tại Dự án nhà máy sản xuất xơ sợi Polyester Đình Vũ là 4.541 tỷ đồng (tăng 41 tỷ đồng so với thời điểm tháng 2/2017); tiếp đến là Dự án nhà máy gang thép Lào Cai và khai thác mỏ sắt Quý Xa hơn 4.200 tỷ đồng; Dự án nhà máy sản xuất đạm Hà Bắc là 3.785 tỷ đồng (tăng 22 tỷ đồng so với tháng 2/2017 do các ngân hàng cho vay vốn ngắn hạn tăng thêm 13 tỷ đồng và vốn trung, dài hạn tăng 9 tỷ đồng).

Đối với các khoản nợ tại Ngân hàng phát triển Việt Nam, nợ phải trả đối với VDB chỉ giảm được 6,73 tỷ đồng so với năm 2016, vẫn còn lại hơn 10.600 tỷ đồng.

Theo Bộ Công Thương, đến nay, tất cả các dự án, doanh nghiệp đều đã được các ngân hàng và tổ chức tín dụng tái cơ cấu thời gian trả nợ, điều chỉnh số tiền trả nợ mỗi kỳ và điều chỉnh lãi suất cấp tín dụng đối với các khoản vay, cả ngắn hạn, trung hạn và dài hạn.

Mặc dù vậy, Bộ Công Thương cảnh báo, các dự án, doanh nghiệp còn lại vẫn tiếp tục gặp khó khăn trong việc cân đối nguồn vốn để trả nợ và dự kiến sẽ tiếp tục phát sinh nợ quá hạn (gốc và lãi) đối với các khoản vay của Ngân hàng Phát triển, các ngân hàng thương mại và tổ chức tín dụng.

12 dự án nghìn tỷ kém hiệu quả bao gồm: Nhà máy sản xuất xơ sợi Đình Vũ; Dự án nhà máy bột giấy Phương Nam; Dự án nhà máy gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2; Nhà máy nhiên liệu sinh học Bio-Ethanol Dung Quất; Nhà máy đạm Ninh Bình; Dự án đạm Hà Bắc; Dự án đạm DAP Lào Cai; Dự án DAP Hải Phòng; Dự án Ethanol Bình Phước; Dự án Ethanol Phú Thọ; Dự án nhà máy đóng tàu Dung Quất; Dự án liên doanh giữa đối tác mỏ Quý Sa và nhà máy gang thép Lào Cai.

Tổng mức đầu tư ban đầu của 12 dự án: 43.673,63 tỷ đồng sau điều chỉnh tăng 45,65% lên mức 63.610,96 tỷ đồng: vốn chủ sở hữu là 14.350,04 tỷ đồng (chiếm 22,56%), vốn vay là 47.451,24 tỷ đồng (chiếm 74,6%) còn lại 2,84% là từ các nguồn khác.

Tổng số lỗ luỹ kế tính đến hết ngày 31/12/2017 của 10 nhà máy lên tới 18.678 tỷ đồng, tăng 2.552 tỷ so với 2016. Tổng tài sản của 12 nhà máy là 57.679,02 tỷ đồng.

Tổng nợ phải trả là 58.504 tỷ đồng, tăng 3.440 tỷ so với 2016, trong đó nợ phải trả ngân hàng VDB là hơn 10.600 tỷ đồng và nợ phải trả nước ngoài có bảo lãnh của Chính phủ là hơn 4.200 tỷ đồng.

Tuấn Minh

Xem thêm: