Từ ngày 1/1/2020, 2,4 triệu ô tô sản xuất từ sau năm 2008 sẽ phải đáp ứng tiêu chuẩn khí thải ở mức 2, cao hơn so với mức 1 hiện nay. 

khí thải ô tô
Các loại ô tô sản xuất từ năm 2008 tham gia giao thông sẽ áp dụng mức tiêu chuẩn khí thải cao hơn từ năm 2020 nhằm khắc phục tình trạng ô nhiễm khí thải. (Ảnh minh họa/Shutterstock)

Cụ thể, đối với loại xe ô tô tham gia giao thông và ô tô đã qua sử dụng nhập khẩu sản xuất sau năm 2008 có động cơ xăng và diesel, giới hạn nồng độ khí cacbon monoxit – CO tối đa trong khí thải là 3,5% thể tích (hiện tại là 4,5%); xe dùng diesel động cơ 4 kỳ có giới hạn tối đa khí hydrocarbon – HC là 800ppm thể tích (hiện tại là 1.200pmm) và tỷ lệ khói HSU tối đa là 60%.

Lộ trình áp dụng tiêu chuẩn khí thải trên bắt đầu từ ngày 1/1/2020, theo quyết định số 16 do Thủ tướng Chính phủ quy định. Các loại xe cũ hơn, sản xuất từ năm 1999 đến 2008 sẽ áp dụng mức kiểm soát khí thải mới sau đó 1 năm, bắt đầu từ ngày 1/1/2021.

Theo Cục Đăng kiểm Việt Nam, tính đến tháng 9/2019, cả nước có hơn 3,5 triệu ô tô đang lưu hành. Trong đó có khoảng hơn 2,4 triệu là phương tiện được sản xuất sau năm 2008. Theo đó, sau gần 15 năm áp dụng quy chuẩn khí thải ở mức thấp nhất (theo quyết định số 249/2005), hơn 2,4 triệu ô tô này sẽ phải đáp ứng mức tiêu chuẩn khí thải mới cao hơn.

Về lý do xe sản xuất trước năm 1999 vẫn chỉ phải áp dụng tiêu chuẩn khí thải hiện nay, Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết nhóm xe trên được sản xuất theo công nghệ cũ nên khó đáp ứng được tiêu chuẩn cao hơn, trong khi đó, tuổi thọ của nhóm xe này đã hơn 20 năm, theo quy định về niên hạn sử dụng xe (xe tải tối đa 25 năm, xe chở người 20 năm), nhiều xe sắp hết niên hạn tham gia giao thông.

Cũng theo Cục Đăng kiểm Việt Nam, hiện việc kiểm tra khí thải xe ô tô đang lưu hành được thực hiện theo chu kỳ đăng kiểm phương tiện và kiểm tra trong trạng thái xe chạy chế độ không tải.

Tiêu chuẩn khí thải hiện hành thấp hơn gần 1/3 so với mức sắp áp dụng (xe chạy xăng hiện giới hạn tối đa 4,5% CO, xe dùng nhiên liệu diesel 1.200HC) và đã áp dụng từ năm 2005.

Tại thời điểm này, số lượng xe ô tô trên cả nước chưa đến 947.000 chiếc, hiện nay tổng số xe đã tăng lên hơn 3,5 triệu chiếc (gấp hơn 3 lần) khiến tổng lượng phát thải chất độc hại (như NOx, C0) có trong khí thải ô tô tăng lên, nhất là tại các thành phố lớn. Theo đó, cơ quan này cho biết thực tế đặt ra yêu cầu cần nâng tiêu chuẩn khí thải để giảm ô nhiễm không khí từ khí thải xe ô tô.

Theo quyết định số 16, mức 4 là giới hạn lớn nhất cho phép của các chất gây ô nhiễm và khói trong khí thải của xe ô tô, đã áp dụng đối với ô tô lắp động cơ cháy cưỡng bức, động cơ cháy do nén đã qua sử dụng nhập khẩu kể từ ngày 15/5/2019. Trước đó, ô tô cũ nhập khẩu chạy xăng áp dụng mức 3 và ô tô cũ nhập khẩu chạy dầu chỉ áp dụng mức 2.

Hiện nay, với ô tô sản xuất mới, Việt Nam đã nâng tiêu chuẩn khí thải từ Euro 2 lên Euro 4 từ đầu năm 2017 và mức Euro 5 từ đầu năm 2022.

Với ô tô đã qua sử dụng, với quyết định 16, tiêu chuẩn khí thải được nâng cao hơn so với tiêu chuẩn cũ áp dụng từ tháng 10/2005.

Cục Đăng kiểm Việt Nam dẫn lời ông Nguyễn Đông Phong, Giám đốc Trung tâm thử nghiệm khí thải phương tiện giao thông cơ giới đường bộ (Cục Đăng kiểm Việt Nam) cho biết nguyên nhân xe không đạt tiêu chuẩn khí thải chủ yếu xuất phát từ động cơ, vùng phun nhiên liệu. Việc khắc phục ô nhiễm khí thải, xe máy dầu thường khó hơn so với máy xăng vì dầu diesel bẩn hơn.

Trong khi đó, ông Lê Văn Định, chủ gara TA Auto (số 9 Phạm Văn Bạch, Hà Nội) cho biết chất lượng nhiên liệu đầu vào cũng là một trong các yếu tố để phương tiện đáp ứng chuẩn khí thải theo quy định mới. Ngay cả động cơ đạt chuẩn khí thải Euro 4 mà thường xuyên sử dụng nhiên liệu kém chất lượng cũng hỏng hệ thống xúc tác khí thải.

Nguyễn Quân

Xem thêm: