Bộ trưởng TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng hiện mạng xã hội Việt Nam đang phát triển, đến năm 2020, sẽ có 90 triệu người dùng.

nguyen manh hung
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng. (Ảnh: baochinhphu.vn)

Sáng ngày 8/11, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng đăng đàn trả lời chất vấn. 83 đại biểu đặt câu hỏi chất vấn Bộ trưởng.

Nội dung trả lời chất vấn xoay quanh các nhóm vấn đề về công tác quản lý báo chí, quản lý giấy phép trong lĩnh vực báo chí, phát thanh, truyền hình; cấp, thu hồi thẻ nhà báo. Bên cạnh đó là công tác quản lý thông tin điện tử, mạng xã hội; quản lý quảng cáo trên báo chí, trên môi trường mạng và ứng dụng công nghệ thông tin; xây dựng Chính phủ điện tử.

Giải trình cùng Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông còn có Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao Du lịch, Khoa học Công nghệ.

Sẽ phát triển mạng xã hội Việt Nam

Đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa (Đồng Tháp) tranh luận về vấn đề phát triển Mạng xã hội (MXH) trong nước, làm thế nào để có MXH trong nước đủ sức cạnh tranh và nâng thị phần trong nước.

Trả lời, Bộ trưởng cho rằng Việt Nam nằm trong số ít quốc gia đặt vấn đề này từ thực tế muốn làm chủ, bởi nếu không làm chủ không gian này, sẽ khó nói tới tự chủ kinh tế.

Ông Hùng cho biết sau một năm ông làm Bộ trưởng, mạng xã hội Việt Nam đã có 65 triệu người dùng (tăng 30%). Số lượng này sẽ tăng lên 90 triệu vào năm 2020.

Hiện giờ nghĩ gì, làm gì đều nằm trên mạng xã hội. Nghĩa là não người Việt Nam tập trung ở một chỗ và chỗ này hiện không nằm ở Việt Nam. Sau này họ sẽ dùng vào việc gì? Điều này rất nguy hiểm, đấy là an ninh quốc gia“, ông nói.

Bộ trưởng cũng khẳng định không đặt mục tiêu thay thế mạng xã hội nước ngoài. “Việt Nam đã hội nhập, mở cửa kêu gọi đầu tư. Nhưng ai vào Việt Nam làm ăn đều phải tuân thủ pháp luật Việt Nam. Mạng xã hội Việt Nam tồn tại bên cạnh với điều kiện mạng xã hội nước ngoài phải tuân thủ pháp luật Việt Nam“, Bộ trưởng cho hay.

Sẽ ban hành Luật xử lý tin giả trên mạng xã hội

ĐB Lê Công Nhường (Bình Định) chất vấn về hiện tượng những trang mạng được gọi là “báo chí nhân dân”, dù nội dung “xấu, độc” nhưng có lượng độc giả lớn, hình thành các luồng dư luận tác động xấu tới đời sống xã hội. Đại biểu Nguyễn Quang Tuấn cũng cho rằng, thông tin xấu, độc đang “lây lan như dịch bệnh, lan tỏa rất nhanh trên mạng xã hội”. Các đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết giải pháp nào để thuyết phục bất cập nêu trên, không bị động chạy theo xử lý hậu quả?

Trả lời, Bộ trưởng cho rằng câu chuyện về giải pháp đối với tin xấu, độc trên mạng xã hội là câu chuyện mang tính toàn cầu, không chỉ riêng Việt Nam mà cả thế giới đang phải đối diện với câu chuyện tin sai sự việc, tin xấu trên mạng xã hội.

Bộ trưởng cho hay giải pháp của các nước, trước hết phải là hành lang pháp lý. Hiện Việt Nam đã có hành lang pháp lý là Luật An ninh mạng, an toàn mạng, nhưng các quốc gia đều có quy định riêng xử lý tin rác, tin giả.

Bộ trưởng lấy ví dụ Singapore đã có luật về xử lý tin giả với chế tài xử lý rất mạnh. Người tung tin có thể bị phạt hàng triệu USD, có thể đi tù. Người đứng đầu mạng xã hội tung tin giả cũng vậy.

Sắp tới, chúng ta sẽ ban hành quy định pháp luật về vấn đề này. Thủ tướng Chính phủ đã giao cho Bộ Công an. Bộ Thông tin và Truyền thông đang phối hợp rất chặt chẽ với Bộ Công an để sớm có quy định của pháp luật về xử lý vấn đề tin giả”, Bộ trưởng cho hay.

Cũng theo Bộ trưởng, “Hiện nay, chúng ta gặp vấn đề tin giả tin sai sự thật chủ yếu trên các nền tảng xã hội nước ngoài, các nền tảng trong nước thì cơ bản quản lý được. Đối với quản lý nền tảng xã hội nước ngoài, Bộ Thông tin và Truyền thông đã có nhóm làm việc chuyên trách với các cơ quan liên quan để xử lý vấn đề này.

Mục tiêu của chúng ta đặt ra là các nền tảng xã hội nước ngoài phải tuân thủ pháp luật. Yêu cầu dứt khoát là có thể tìm ra danh tính của các tài khoản trên mạng xã hội để tránh việc một số người nghĩ rằng trên mạng xã hội là không xác định danh tính, thiếu trách nhiệm khi đưa thông tin lên”.

Minh Long – Văn Duy