Theo báo cáo của Chính phủ, so với năm 2016, năm 2017 tăng 28 trường hợp người đứng đầu thiếu trách nhiệm để xảy ra hành vi tham nhũng bị xử lý kỷ luật, nâng tổng số bị xử lý lên 39 người.

Báo cáo của Chính phủ về công tác phòng chống tham nhũng năm 2017 do Tổng Thanh tra Phan Văn Sáu ký trình Quốc hội dành phần dung lượng lớn thông tin về kết quả phòng ngừa tham nhũng.

tham nhung du an
Tranh biếm họa về tham nhũng. (Tác giả: Sa Tế)

“Chưa thực sự đột phá”

Chính phủ nhìn nhận công tác phòng chống tham nhũng tuy tạo được sự thay đổi tích cực nhưng vẫn chưa thực sự mang tính đột phá. Tình trạng ký tuyển dụng biên chế vượt số được giao; bổ nhiệm số lượng lãnh đạo nhiều hơn quy định, thậm chí lãnh đạo nhiều hơn công chức còn diễn ra ở nhiều nơi.

Công tác phát hiện, điều tra tham nhũng tuy có tiến bộ nhưng “vẫn chưa đạt yêu cầu“, việc xử lý một số vụ việc, vụ án tham nhũng kinh tế còn chưa đạt được tiến độ đề ra; thu hồi tài sản tham nhũng có kết quả tích cực hơn nhưng tỷ lệ thu hồi còn thấp… – báo cáo cho hay.

Theo Chính phủ, năm 2017, có 39 trường hợp người đứng đầu thiếu trách nhiệm để xảy ra hành vi tham nhũng bị xử lý kỷ luật (tăng 28 người so với năm 2016). Trong đó, Bộ Tài chính có 2 người, Bộ Công an 4 người, tỉnh Kiên Giang 9 người, Thái Nguyên 2 người…

Qua xác minh tài sản, thu nhập, phát hiện và xử lý 5 trường hợp vi phạm về kê khai tài sản, thu nhập, trong đó có cả cán bộ cao cấp tại Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Quốc phòng, Bộ Công thương, thành phố Hà Nội và các tỉnh Yên Bái, Đồng Nai (năm 2016 không phát hiện trường hợp nào).

Trong việc thực hiện Quy chế tặng quà và nộp lại quà tặngnhiều địa phương đã trả lại xe do doanh nghiệp biếu tặng, như: Cà Mau trả lại 2 xe, thành phố Đà Nẵng trả lại 1 xe, 2 trường hợp ở Bình Thuận và 1 trường hợp ở Lâm Đồng trả lại quà tặng với số tiền 32 triệu đồng.

Ngoài ra, đã xử lý kỷ luật cán bộ cấp cao thiếu gương mẫu trong việc nhận, sử dụng xe ô tô do doanh nghiệp biếu, tặng và sử dụng 22 nhà ở của doanh nghiệp tại Đà Nẵng.

“Cả họ làm quan”

Theo kết quả thanh tra, kiểm tra của Bộ Nội vụ từ năm 2011 đến tháng 9/2017, tại một số bộ, ngành, địa phương, việc bổ nhiệm lãnh đạo, quản lý còn nhiều trường hợp thiếu điều kiện, tiêu chuẩn của chức danh lãnh đạo; trong đó thiếu điều kiện về trình độ chuyên môn (thậm chí thiếu bằng đại học theo quy định) như ở các tỉnh Đắk Nông, Thái Bình, Thanh Hóa, Bắc Ninh; thiếu về các điều kiện, tiêu chuẩn khác (trình độ lý luận chính trị, quản lý nhà nước, chứng chỉ ngoại ngữ…) phổ biến ở nhiều bộ, ngành, địa phương như Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các tỉnh Gia Lai, Thái Bình và Sóc Trăng…

Trong 60 trường hợp báo chí nêu về việc ‘‘cả họ làm quan” thì có tới có 58 trường hợp (trong đó 37 người có chức vụ) là người có quan hệ ruột thịt, quan hệ họ hàng được bổ nhiệm, tuyển dụng vào các vị trí việc làm trong cùng cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương.

Một số trường hợp chuyển đổi vị trí công tác, tuyển chọn, quy hoạch, đào tạo, bổ nhiệm cán bộ còn thiếu minh bạch, có biểu hiện tiêu cực, “chạy chức, chạy quyền”. Ngược lại, cũng có trường hợp lợi dụng việc điều động, điều chuyển công tác để trù dập…

Tình trạng bổ nhiệm lãnh đạo sai phạm, “bổ nhiệm thần tốc” được nêu ra như ở Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ, Sở Xây dựng tỉnh Thanh Hóa…; vụ việc bổ nhiệm con trai bị bệnh tâm thần lãnh đạo quản lý ra tại Bệnh viện Đa khoa huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp; vụ việc “cả họ làm quan” tại huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương…

“Lạm phát lãnh đạo”, tham nhũng lớn

Dẫn lại báo cáo của Tổng Kiểm toán Nhà nước, báo cáo thẩm tra của Uỷ ban Tư pháp cho biết qua kiểm toán tại 23 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, phát hiện vượt 1.672 biên chế ; 8.280 lao động có hợp đồng lao động làm công việc chuyên môn nghiệp vụ không đúng quy định.

Tình trạng bổ nhiệm số lượng lãnh đạo nhiều hơn quy định, “thậm chí có nhiều nơi lãnh đạo nhiều hơn nhân viên vẫn diễn ra“, báo cáo nhận định.

Dẫn dẫn chứng, cơ quan chức năng cho biết “tỷ lệ giữa lãnh đạo từ cấp phó phòng trở lên và công chức ở Bộ Công thương là 3/4, Bộ Tài chính, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Văn phòng Chính phủ, Bộ Nội vụ là 3/5…”

Không chỉ tại các bộ, ngành, tỷ lệ này cũng cao ở một số địa phương như Hà Giang, Đà Nẵng, Hải Phòng, Cần Thơ, Kiên Giang…

Đặc biệt về vụ “biệt phủ Yên Bái”, việc kê khai tài sản, thu nhập của Giám đốc Sở TN-MT tỉnh Yên Bái Phạm Sỹ Quý đã được thanh tra. Kết luận thanh tra cho thấy người đứng đầu Sở TN-MT tỉnh Yên Bái có nhiều sai phạm khi không kê khai nhiều nhà đất, những khoản tiền vay lớn phát sinh trong thời gian dài.

Tổng số người đã kê khai tài sản, thu nhập năm 2016 là trên 1,1 triệu người (tăng 10,8% so với năm 2016), công khai bản kê 99,8%.

Mặc dù vậy, chỉ có 78 người được xác minh tài sản, thu nhập (giảm 81,4%). Có 5 trường hợp vi phạm về kê khai tài sản, thu nhập, trong đó có cả cán bộ cao cấp (năm 2016 không phát hiện trường hợp nào) bị phát hiện, xử lý.

10 năm phát hiện gần 60.000 tỷ đồng tham nhũng, thu hồi 5.000 tỷ đồng.

10 năm, tỷ lệ kê khai tài sản đạt 99,5%, xác minh gần 5.000 trường hợp, phát hiện xử lý, kỷ luật 17 người kê khai tài sản không trung thực.

10 năm, khởi tố điều tra gần 3.000 vụ án tham nhũng, hơn 7.000 bị can. Trên 23.500 tỷ đồng thiệt hại từ các vụ án tham nhũng.

– Theo Báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Luật Phòng chống tham nhũng (2006-2016) do Tổng thanh tra chính phủ Phan Văn Sáu trình bày sáng 12/7/2016.

Vĩnh Long

Xem thêm: