Theo thống kê của Bộ LĐ-TB&XH, trong năm 2016, cả nước có gần 2 triệu hộ nghèo, hơn 1,3 triệu hộ cận nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều, tức thu nhập bình quân đầu người thấp và thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản (gồm y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch và vệ sinh, thông tin).

ngheo da chieu
(Ảnh minh họa/Tom Hoang/2014)

Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung vừa ký Quyết định 945/QĐ-LĐTBXH về phê duyệt kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2016 theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giai đoạn 2016 – 2020. Theo Bộ LĐ-TB&XH, quyết định này là cơ sở để thực hiện các chính sách an sinh xã hội và các chính sách kinh tế, xã hội khác trong năm 2017.

Cụ thể, trong năm 2016, cả nước có gần 2 triệu hộ nghèo (tỷ lệ 8,23%), tập trung lớn nhất tại khu vực miền núi Đông Bắc (hơn 465 nghìn hộ). Tiếp đến là ĐBSCL (hơn 360 nghìn hộ), khu vực Bắc Trung Bộ (gần 297 nghìn hộ), miền núi Tây Bắc (hơn 218 nghìn hộ), Duyên hải miền Trung (gần 210 nghìn hộ), Tây Nguyên (gần 205 nghìn hộ)… Thấp nhất là khu vực Đông Nam Bộ với hơn 43 nghìn hộ nghèo.

Đáng chú ý, khu vực miền núi Đông Bắc và Đồng bằng sông Hồng có số hộ nghèo phát sinh cao nhất, lần lượt là hơn 26 nghìn hộ và hơn 24 nghìn hộ so với năm 2015. Bắc Trung Bộ đứng thứ 3 với tổng số hơn 23 nghìn hộ nghèo phát sinh trong năm 2016.

Về số hộ cận nghèo, cả nước có hơn 1,3 triệu hộ (tỷ lệ 5,41%), trong đó tập trung lớn tại Bắc Trung Bộ (hơn 270 nghìn hộ). Tiếp đến là ĐBSCL (gần 247 nghìn hộ), miền núi Đông Bắc (gần 237 nghìn hộ)… Thấp nhất là khu vực Đông Nam Bộ với hơn 42 nghìn hộ cận nghèo.

Khu vực có số hộ cận nghèo phát sinh cao nhất là miền núi Đông Bắc với hơn 78 nghìn hộ. Tiếp đến là ĐBSCL với hơn 74 nghìn hộ, Bắc Trung Bộ hơn 73 nghìn hộ…

Tổng số hộ nghèo của 94 huyện nghèo (theo nghị quyết Chính phủ và các quyết định của Thủ tướng Chính phủ) là gần 490 nghìn hộ, ngoài ra là hơn 166 nghìn hộ cận nghèo. 

Nghèo đa chiều

Theo Quyết định 59 ngày 19/11/2015 của Thủ tướng Chính phủ, chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng trong giai đoạn 2016-2020 bao gồm tiêu chí về thu nhập và mức độ thiếu hụt tiếp cận 5 dịch vụ xã hộ cơ bản.

Cụ thể, về thu nhập, quy định chuẩn nghèo ở khu vực nông thôn là 700.000 đồng/người/tháng; ở khu vực thành thị 900.000 đồng/người/tháng. Quy định chuẩn cận nghèo ở khu vực nông thôn là 1 triệu đồng/người/tháng; ở khu vực thành thị 1,3 triệu đồng/người/tháng.

Về mức độ thiếu hụt tiếp cận dịch vụ xã hội cơ bản, các dịch vụ xã hội cơ bản bao gồm 5 dịch vụ: y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch và vệ sinh, thông tin. Các chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản gồm 10 chỉ số: tiếp cận các dịch vụ y tế; bảo hiểm y tế; trình độ giáo dục của người lớn; tình trạng đi học của trẻ em; chất lượng nhà ở; diện tích nhà ở bình quân đầu người; nguồn nước sinh hoạt; hố xí/nhà tiêu hợp vệ sinh; sử dụng dịch vụ viễn thông; tài sản phục vụ tiếp cận thông tin.

Với các tiêu chí như trên:

Tại nông thôn, hộ được xếp vào diện nghèo khi có thu nhập bình quân đầu người/tháng từ đủ 700.000 đồng trở xuống; hoặc có thu nhập bình quân đầu người/tháng từ trên 700.000 đồng đến 1 triệu đồng và thiếu hụt từ 3 chỉ số trở lên.

Tại khu vực thành thị, hộ được xếp vào diện nghèo khi có thu nhập bình quân đầu người/tháng từ đủ 900.000 đồng trở xuống; hoặc có thu nhập bình quân đầu người/tháng trên 900.000 đồng đến 1,3 triệu đồng và thiếu hụt từ 3 chỉ sốtrở lên.

Hộ cận nghèo là hộ có thu nhập bình quân đầu người/tháng trên 700.000 đồng đến 1 triệu đồng và thiếu hụt dưới 3 chỉ số (tại nông thôn); có thu nhập bình quân đầu người/tháng trên 900.000 đồng đến 1,3 triệu đồng và thiếu hụt dưới 3 chỉ số (tại thành thị).

Hộ có mức sống trung bình khi có thu nhập trung bình từ 1 triệu – 1,5 triệu đồng/tháng (tại nông thôn), từ 1,3 triệu – 1,95 triệu đồng/tháng (tại thành thị) và không thiếu hụt các chỉ số dịch vụ xã hộ cơ bản.

Chuẩn nghèo đa chiều bắt đầu được áp dụng từ năm 2016 theo Quyết định số 59/2015/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, bổ sung tiêu chí về mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hộ cơ bản thay vì chỉ áp dụng tiêu chí về mức thu nhập như trước.

Theo số liệu của Bộ LĐ-TB&XH, năm 2010, tỷ lệ hộ nghèo của cả nước là 14,2%. Tỷ lệ này liên tục giảm trong các năm tiếp theo: năm 2011: 11,76%; năm 2012: 9,6%; năm 2013: 7,8%; năm 2014: 5,97%. Năm 2015, ước tỷ lệ hộ nghèo cả nước còn dưới 5%.

Khi theo chuẩn nghèo mới, tỷ lệ hộ nghèo tăng từ dưới 5% năm 2015 lên gần 10% năm 2016.

Vĩnh Long

Xem thêm: