Bộ Chính trị đặt mục tiêu sẽ phủ sóng mạng 5G trên toàn quốc vào năm 2030, duy trì xếp hạng của Việt Nam trong nhóm 40 nước dẫn đầu thế giới về chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII)…

mạng 5G
Ăng ten mạng di động 5G. (Ảnh: Shutterstock)

Hôm thứ Sáu (27/9), Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng ký ban hành nghị quyết của Bộ Chính trị về Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (thường gọi Cách mạng 4.0).

Bộ Chính trị nhận định việc tham gia Cách mạng 4.0 tại Việt Nam còn thấp do hạn chế về thể chế, chính sách; cơ cấu và chất lượng nguồn nhân lực; khoa học – công nghệ và đổi mới sáng tạo… Ngoài ra, do doanh nghiệp thiếu chủ động, năng lực về mặt công nghệ còn thấp; kinh tế số có quy mô nhỏ; nhiều vấn đề về tội phạm an ninh mạng, bảo đảm an ninh mạng.

Cơ quan chủ chốt của Đảng đặt mục tiêu năm 2025, hạ tầng số của Việt Nam đạt trình độ tiên tiến của ASEAN; Internet băng thông rộng phủ 100% các xã; năm 2035, phủ sóng mạng 5G trên toàn quốc.

Năm 2025, sẽ duy trì xếp hạng của Việt Nam về chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) thuộc 3 nước dẫn đầu ASEAN; đến năm 2030, duy trì thứ hạng trong nhóm 40 nước dẫn đầu thế giới.

Năm 2025, kinh tế số phải chiếm 20% GDP; tăng lên trên 30% GDP vào năm 2030. Năng suất lao động tăng bình quân trên 7%/năm (2025) và khoảng 7,5%/năm (2030).

Trước đó, tháng 5/2019, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng tuyên bố đã giao Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội (Viettel) thực hiện các nhiệm vụ thử nghiệm công nghệ 5G ở khu vực tần số cao, đồng thời đưa ra mục tiêu đến 2020, Việt Nam “phải sản xuất được tất cả các loại thiết bị viễn thông, trong đó có thiết bị 5G”.

Ngày 21/9, Viettel công bố phát sóng 5G tại TP.HCM, đồng thời đưa vào khai thác 1.000 trạm phát sóng tạo ra vùng phủ kết nối hàng triệu thiết bị IoT (Internet of things) hỗ trợ cho các hoạt động xã hội như giao thông vận tải, điện, nước, ứng dụng và dịch vụ để người dân sử dụng. Tập đoàn này dự kiến sẽ thương mại hóa 5G vào năm 2020.

Trong diễn biến khác, tính đến thời điểm hiện tại, 455 mạng xã hội trong nước đã được cấp phép, trong đó 48 giấy phép cấp mới 6 tháng đầu năm 2019, theo số liệu của Bộ Thông tin và Truyền thông. Sự phát triển của các mạng xã hội “made in Vietnam” được cho là được thúc đẩy bởi tiến trình ra đời và áp dụng Luật An ninh mạng.

Đáng lưu ý, không chỉ doanh nghiệp tư nhân tham dự vào các dự án mạng xã hội “made in Vietnam”. Đầu tháng 6/2019, Ban Tuyên giáo trung ương phối hợp với Viettel công bố ra mắt mạng xã hội VCNET.

Gần đây nhất, mạng xã hội Lotus ra mắt ngày 16/9. Tuy nhiên, bản dùng thử bị phản ánh chứa nhiều hình ảnh đồi trụy, cũng như các điều khoản sử dụng can thiệp nhiều vào hệ thống thông tin cá nhân lưu trữ tại thiết bị sử dụng.

Nguyễn Quân

Xem thêm: