Trong tổng hơn 3 triệu tấn rác thải rắn sinh hoạt của TP.HCM thu gom năm 2018, hơn 2,2 triệu tấn xử lý bằng cách chôn lấp, chiếm đến 72,52%. Trong đó, chôn lấp tại Khu Đa Phước hơn 2 triệu tấn, chôn lấp tại Khu Tây Bắc hơn 200 nghìn tấn…

đốt rác phát điện, rác thải, chôn lấp rác thải
Khu liên hợp xử lý chất thải Đa Phước tiếp nhận và xử lý 5.000 tấn rác/ngày, bãi chôn lấp rộng hơn 30 ha và thể tích không gian khoảng 3 triệu m3. Khu xử lý bị phản ánh áp dụng công nghệ chôn lấp truyền thống và sản xuất compost, không phải là công nghệ xử lý rác tiên tiến. (Hình ảnh: Google Maps)

Chiều 26/8, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) TP.HCM tổ chức họp báo cung cấp thông tin định hướng của TP về xử lý chất thải rắn sinh hoạt đô thị và chuyển đổi sang công nghệ đốt phát điện.

Ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở TN-MT cho biết mô hình đốt rác phát điện đã được UBND TP chấp nhận về chủ trương. Ba dự án xử lý rác phát điện do Công ty cổ phần VietStar, Công ty CP đầu tư phát triển Tâm Sinh Nghĩa và Công ty CP Tasco (Nhà máy xử lý tái chế chất thải rắn Củ Chi) sẽ lần lượt khởi công, đưa vào vận hành trong năm 2020, kỳ vọng xử lý 8.000 tấn rác mỗi ngày, tạo ra điện năng.

Theo thông tin cung cấp, ngày mai (28/8), nhà máy đốt rác phát điện của Công ty CP Vietstar – tổng vốn đầu tư khoảng 400 triệu USD – sẽ khởi công tại Khu Liên hợp Xử lý chất thải rắn Tây Bắc (huyện Củ Chi), dự kiến hoàn thành và đưa vào vận hành trong năm 2020.

Công suất xử lý dự kiến trong giai đoạn đầu là 2.000 tấn rác tái chế và 2.000 tấn rác đốt phát điện mỗi ngày; đến năm 2021, nâng công suất lên 4.000 tấn rác đốt phát điện/ngày.

Ông Ngô Như Hùng Việt – giám đốc Công ty cổ phần VietStar cho biết hiện công ty có nhà máy diện tích 30 ha ở Củ Chi đang tái chế rác làm phân hữu cơ, nhựa. Công ty không cần thêm đất và công nghệ đã được Sở Khoa học – công nghệ TP phê duyệt.

Theo ông Việt, công ty sẽ nhập toàn bộ máy móc, thiết bị, công nghệ của Đức, toàn bộ quy trình xử lý khép kín, không để mùi hôi phát tán ra bên ngoài, tự động hóa khâu phân loại rác; đảm bảo các tiêu chí về khí thải, nước thải, chất thải trong quá trình đốt rác.

Sang tháng 10, Công ty CP Đầu tư Tâm Sinh Nghĩa sẽ khởi công xây dựng nhà máy công nghệ mới trong khuôn viên nhà máy hiện hữu, thời gian xây dựng 18 tháng.

Ông Ngô Xuân Tiệc, giám đốc Công ty CP Đầu tư Tâm Sinh Nghĩa cho biết hiện nhà máy Tâm Sinh Nghĩa đang xử lý 1.300 tấn rác/ngày đêm. Việc chuyển đổi sang công nghệ mới sẽ góp phần bảo vệ môi trường, tăng hiệu quả kinh tế. Nhà máy mới sẽ có diện tích 20 ha. Công suất đốt rác phát điện 2.000 tấn rác/ngày.

Ông Tiệc đề xuất Sở TN-MT giúp rút ngắn về thủ tục hành chính cho các đơn vị.

Đại diện Công ty CP Tasco, giám đốc Châu Phước Minh cho biết công ty đang đầu tư xây dựng nhà máy xử lý rác theo công nghệ đốt rác phát điện, cam kết sẽ hoàn thành và đưa vào vận hành trước quý 4/2020.

Được biết, nguồn kinh phí đầu tư xử lý rác theo  sẽ do các nhà đầu tư bỏ ra. Hiện nay, giá mua lại điện từ công nghệ đốt rác phát điện được đề xuất ở mức 10,05 cent/kWh.

Trước đó, cuối năm 2016, UBND TP.HCM chấp thuận cho Công ty TNHH Thủy lực – Máy thực hiện đề án thực nghiệm “Xây dựng nhà máy điện – rác Gò Cát”. Ngày 30/3/2017, hệ thống dây chuyền thiết bị của nhà máy được vận hành; ngày 22/4, hòa lưới điện quốc gia. Chi phí xử lý rác của nhà máy là 1,5 triệu/tấn, giá điện bán ra 10,5 cent/kWh.

đốt rác phát điện, rác thải, chôn lấp rác thải
Nhà máy điện – rác Gò Cát. (Ảnh: www.hcmcpv.org.vn)

Hơn 9.000 tấn rác mỗi ngày, chủ yếu xử lý chôn lấp

Sở TN-MT TP.HCM cho biết việc xử lý chất thải của TP hiện nay chủ yếu là chôn lấp. Một phần chất thải rắn sinh hoạt được xử lý bằng phương pháp đốt (không thu hồi năng lượng), sản xuất phân bón và tái chế nhưng việc này còn hạn chế chưa đáp ứng nhu cầu của TP.

Năm 2018, tổng khối lượng chất thải rắn sinh hoạt đã thu gom, vận chuyển là hơn 3 triệu tấn, trung bình hơn 9.000 tấn/ngày. Chất thải rắn sinh hoạt được xử lý dưới dạng chôn lấp là hơn 2,2 triệu tấn, chiếm 72,52% trên tổng khối lượng chất thải trong năm.

Trong đó, chôn lấp tại Khu Đa Phước hơn 2 triệu tấn, trung bình hơn 6.000 tấn/ngày; chôn lấp tại Khu Tây Bắc là 207.716,53 tấn, trung bình 621,91 tấn/ngày.

Tái chế tại Công ty Cổ phần Vietstar là 444.541,30 tấn, trung bình 1.330,96 tấn/ngày; tái chế Công ty Cổ phần Đầu tư – Phát triển Tâm Sinh Nghĩa là 401.937,61 tấn, trung bình 1.203,41 tấn/ngày.

Theo ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở TN-MT, lộ trình của thành phố đặt ra là đến năm 2020, giảm tỷ lệ chôn lấp rác thải rắn sinh hoạt xuống 50%, đồng thời nâng cao tỷ lệ đốt rác để phát điện và làm phân bón từ xử lý rác cho nông nghiệp. “Làm sao khiến rác trở thành nguồn nguyên liệu để phục vụ cho các ngành khác”, ông Thắng nói.

Dự kiến năng lượng thu được từ đốt rác phát điện trong giai đoạn 2020-2021 là 98 MW, đến 2025 là 138 MW.

Giá xử lý rác có tăng?

Trả lời câu hỏi của báo chí về kinh phí xử lý rác, liệu chi phí UBND TP trả cho những công ty này có tăng so với đơn giá cũ hay người dân có phải trả thêm tiền hay không, ông Thắng cho biết hiện kinh phí xử lý rác dao động từ 550.000 đồng/tấn trở xuống. Với việc đổi mới công nghệ, các công ty sẽ bán cho ngành điện để tính toán giá thành. Căn cứ vào đó, TP ban hành đơn giá xử lý rác cho các nhà đầu tư. Sở Công Thương TP sẽ hỗ trợ các nhà đầu tư thủ tục hòa mạng lưới điện, chỉ tiêu hòa lưới điện đã được đưa vào quy hoạch đến năm 2020.

Riêng về giá rác thu gom tại các hộ dân hiện chưa tính chi phí xử lý, vận chuyển. Sắp tới, theo lộ trình tăng giá rác mà TP ban hành, người dân sẽ chi trả mức phí cao hơn nhưng vẫn trong mức chấp nhận được, có kiểm soát.

Nguyễn Sơn

Xem thêm: