Từng được xem là một trong 10 khu rừng cấm của Việt Nam, là vùng bất khả xâm phạm trong những năm 70, tới nay, Khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà liên tục bị báo động về tình trạng bị xâm lấn, với nhiều loài sinh vật bị đe dọa, tổn thương. 

Truyền thông trong nước dẫn thông tin cho hay Hạt Kiểm lâm liên quận Sơn Trà – Ngũ Hành Sơn (TP Đà Nẵng) ngày 15/6 đã lập biên bản vi phạm đối với người vi phạm có tên Triệu Thành D. (SN 1981, thường trú phường Thọ Quang, quận Sơn Trà).

D. bị phát hiện đang giăng bẫy bắt thú hoang dã trái phép trên bán đảo Sơn Trà (quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng), thu giữ tại hiện trường 1 bẫy lồng và 2 bẫy kẹp.

Đây không phải trường hợp săn bắt thiểu số tại khu vực này. Theo Hạt Kiểm lâm liên quận Sơn Trà – Ngũ Hành Sơn (TP Đà Nẵng), trong 6 tháng đầu năm 2020, 1.370 dây bẫy và 4 bẫy bắt các loại trong khu vực bán đảo Sơn Trà bị phát hiện, tháo gỡ, tiêu hủy.

Cuối tháng 5 vừa qua, một bộ ảnh do Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Nguyễn Công Hưng (TP Đà Nẵng) đăng lên mạng xã hội Facebook cho thấy sự đau đớn của bầy khỉ trên bán đảo Sơn Trà trong vòng truy bắt.

bay khi son tra 7
Con con khỉ với vết thương hở trên cổ, một chi bị cụt. (Ảnh: Nguyễn Công Hưng)
37 image
Một chú khỉ nhìn vết thương, chi dưới bị cụt, lòi xương. (Ảnh: Nguyễn Công Hưng)

Anh Hưng cho hay bộ ảnh được thực hiện trong 2 tháng (từ tháng 6-8/2019). Những bức ảnh lột tả sự đau đớn của bầy khỉ tại Chùa Linh Ứng nhằm gióng lên hồi chuông cảnh báo tình trạng săn bắt, bắn phá và xâm hại đến loài vật nơi đây.

Sau khi biết được đoạn clip ghi hình một người đàn ông dùng ná bắn khỉ để tiêu khiển khi tham quan Chùa Linh Ứng ở Đà Nẵng, anh Hưng đã quyết định đăng bộ ảnh lên mạng như một minh chứng về mức độ tổn thương của đàn khỉ. Trong những tấm hình được ghi lại, những con khỉ bị thương tật đầy mình với nhiều vết thương hở lớn, lòi xương, bị tổn thương vĩnh viễn như cụt chi, có con khỉ bị cụt tới 3 chi…

bay khi son tra 9
Một chú khỉ con với vết thương chi trên đang khô miệng. (Ảnh: Nguyễn Công Hưng)
bay khi son tra 12
Chú khỉ xem vết thương cho bạn. Vết thương hở lớn, lộ xương. (Ảnh: Nguyễn Công Hưng)

Anh Hưng chia sẻ: “Tình trạng xâm phạm loài vật ở Chùa Linh Ứng đã diễn ra hàng năm nay rồi và cho đến nay vẫn chưa hề có dấu hiệu chấm dứt. Những vết thương trên người những con khỉ, vết cũ đã lành nhưng những vết thương mới vẫn còn đang chảy máu. Đó chỉ là một phần nhỏ những con còn sống sót mà mình được nhìn thấy thôi bởi thường những người đánh bẫy hoặc săn bắt thì cả trăm con mới thoát bẫy được một con thôi. Nhìn thương xót lắm”, theo Tạp chí Tri thức Xanh.

bay khi son tra 5
Một chú khỉ bị cụt tới 3 chi. (Ảnh: Nguyễn Công Hưng)
bay khi son tra 8
Từ 4 chi, chúng buộc phải di chuyển bằng 2 chi còn sót lại. Được biết, khỉ ở Chùa Linh Ứng là giống khỉ vàng, thuộc danh mục động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm thuộc nhóm IIB. (Ảnh: Nguyễn Công Hưng)
bay khi son tra 10jpg
Vết thương hở lớn, khô máu. (Ảnh: Nguyễn Công Hưng)

Các loài chim tại Khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà cũng bị truy bắt. Năm 2018, hình ảnh do người dân chụp lại cho thấy những bẫy lưới rộng gần cả trăm m2 được treo bên cạnh đường đi giữa ban ngày để vây bắt chim mà không hề thấy kiểm lâm, biên phòng hay cơ quan chức năng nào ngăn chặn.

Có nhiếp ảnh lên khu bảo tồn Sơn Trà để chụp ảnh voọc và ngắm cảnh đã phát hiện và thu gom hàng chục bẫy treo, là loại bẫy dùng để bắt chim, voọc và các loài thú khác.

bay chim son tra 1
Một con chim hút mật cổ xanh bị dính lưới tại Khu Bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà. (Ảnh: Vuong Van Dung)
bay chim son tra 3
Một bẫy lưới rộng cả trăm m2 dựng ngay bên đường trên bán đảo Sơn Trà. (Ảnh: Vuong Van Dung)

Bán đảo Sơn Trà được xếp vào danh sách trong hệ thống rừng cấm quốc gia theo Quyết định số 41-TTg ngày 24/01/1997 của Thủ tướng Chính phủ. Theo quyết định này, bán đảo Sơn Trà được bảo vệ theo chế độ rừng cấm với các quy định rất nghiêm ngặt, áp dụng cho toàn bán đảo và vùng xung quanh chân núi kéo dài ra 500m, tổng diện tích là 4.439 ha. Bán đảo Sơn Trà vào thời điểm này cũng là khu vực tập trung nhiều công trình quân sự.

Từ đề xuất của tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng vào năm 1987, đến năm 1992, Bộ Lâm nghiệp  đổi tên “rừng cấm” thành Khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà với tổng diện tích 4.439 ha (Quyết định số 447/LN – KL ngày 2/10/1992).

Tuy nhiên, đến giai đoạn năm 2003-2013, thực hiện theo Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030 do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, TP Đà Nẵng đã chấp thuận cho 18 dự án phát triển du lịch, nghỉ dưỡng trên Bán đảo Sơn Trà, với tổng diện tích chiếm đến 1.222,5 ha, quy mô lưu trú 1.920 biệt thự, 24 Bungalow và 306 buồng khách sạn (quy đổi tương đương khoảng 5.600 buồng phòng khách sạn).

Trong tổng số 18 dự án trên Bán đảo Sơn Trà được UBND TP Đà Nẵng phê duyệt, chấp thuận, có 9 dự án có một phần diện tích là rừng tự nhiên với tổng diện tích là 163,32 ha nhưng chưa xác định trong phương án giao quản lý, bảo vệ rừng.

Chỉ có 2 dự án UBND TP Đà Nẵng lấy ý kiến của Bộ Quốc phòng, Bộ Tư lệnh Quân khu 5 nhưng chỉ 1 dự án Bộ Quốc phòng có ý kiến thống nhất, 1 dự án chưa có văn bản trả lời, nhưng UBND TP Đà Nẵng vẫn giao đất… Tại thời điểm thanh tra, UBND TP Đà Nẵng chưa phê duyệt quy hoạch bảo tồn và phát triển bền vững Khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà.

Sự xâm lấn của các dự án nghỉ dưỡng, khu du lịch, sự can thiệp của con người (cho khỉ ăn bánh, kẹo, sữa, bò húc…) gây tổn thương nghiêm trọng đến các loài động vật trong Khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà. Đối với loài khỉ, voọc, sự xâm lấn này vừa triệt tiêu nơi sinh sống, nguồn thức ăn vừa biến chúng thành những sinh vật lười nhác, hung hăng do tranh cướp đồ ăn của người thay vì đặc tính kiếm ăn tự nhiên, thức ăn nhân tạo (nhiều muối) còn có thể khiến thú hoang bị suy yếu, gây bệnh lây lan trong quần thể…

Nguyễn Quân

Xem thêm: