Số tiền được tỉnh Bạc Liêu dự tính chi nạo vét kênh để dẫn nước ngọt về, sửa cống để ngăn mặn và lắp đặt trạm quan trắc nước tự động. 

hạn mặn bạc liêu
Đồng ruộng cạn khô vì thiếu nước, xã Phong Thạnh Đông (thị xã Giá Rai). (Ảnh: baobaclieu.vn)

UBND tỉnh Bạc Liêu vừa có tờ trình số 07/TTr – UBND gửi Bộ NN-PTNT, Bộ Tài chính, xin hỗ trợ kinh phí ngăn hạn, xâm nhập mặn để bảo vệ sản xuất nông nghiệp mùa khô 2020.

Theo tờ trình do ông Dương Thành Trung, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu ký, tổng kinh phí dự trù là hơn 225 tỷ đồng.

Trong đó, gần 69 tỷ đồng để nạo vét 123 tuyến kênh, khơi dòng chảy đưa nước về phục vụ sản xuất, gồm TP Bạc Liêu 4 tuyến; huyện Hòa Bình 14 tuyến; huyện Vĩnh Lợi 13 tuyến; huyện Phước Long 22 tuyến; huyện Hồng Dân 27 tuyến; thị xã Giá Rai 17 tuyến; huyện Đông Hải 26 tuyến.

70 tỷ đồng được chi để sửa chữa các cống: Cống Cái Tràm, Cầu số 3, Chiệt Niêu (huyện Hòa Bình); cống Xóm Lung và cống phân ranh mặn ngọt (thị xã Giá Rai).

Hơn 11 tỷ đồng để các địa phương đắp đập ngăn mặn, hỗ trợ bơm tát nước chống hạn cho nông dân; gần 13 tỷ đồng kéo dài đường ống cấp nước cho tám trạm bơm nước tập trung và khoan mới bốn giếng nước.

63 tỷ đồng còn lại, tỉnh dự tính sẽ đầu tư lắp đặt 21 trạm quan trắc nước tự động.

Theo Viện Khoa học thủy lợi miền Nam, trong mùa khô 2019-2020, nước về ít ngay từ đầu mùa khô và mặn bất thường đã xảy ra sớm ngay từ đầu tháng 12. Với các diễn biến dòng chảy cập nhật về đồng bằng, tình hình hạn mặn đã bằng và hơn hạn mặn lịch sử năm 2016. Dự báo nguy cơ hạn mặn còn có thể tiếp tục cao thêm ở nửa đầu tháng 3.

Tại tỉnh Bạc Liêu, do nằm cuối nguồn nước ngọt từ dòng Mekong, đồng thời giáp biển, Bạc Liêu bị xâm mặn sớm hơn hơn các tỉnh vùng thượng và giữa ĐBSCL. Đầu tháng 2, tại khu vực thị xã Giá Rai, mực nước kênh rạch đã xuống thấp đến -0,9m. Nặng nhất là kênh Chống Mỹ (ấp 19, xã Phong Tân, thị xã Giá Rai) cung cấp nước ngọt cho vùng lúa hàng trăm ha của xã.

Theo Sở NN&PTNT tỉnh Bạc Liêu, tính đến thời điểm này cơ bản vẫn đủ nước ngọt cho sản xuất vụ đông xuân tại tỉnh. Tuy nhiên, đối với tiểu vùng giữ ngọt ổn định, nguy cơ thiếu nước ngọt dự kiến 5.400ha, trong tình huống xấu nhất diện tích có thể tăng lên đến 6.000ha; đối với tiểu vùng chuyển đổi sản xuất, dự kiến 5.000ha tôm bị thiệt hại.

Nguyễn Quân