Trong 20 năm qua, Việt Nam có khoảng 10.800 người chết và mất tích trong các đợt thiên tai, thiệt hại trung bình 20.000 tỷ đồng GDP mỗi năm (1 – 1,5% GDP).

lu quet
Hình ảnh trận lũ quét kinh hoàng đêm ngày 2 rạng sáng ngày 3/8 tại huyện Mù Cang Chải (Yên Bái). (Ảnh chụp video)

Tại hội thảo “Thảm họa thiên tai lũ ống, lũ quét và các giải pháp phòng ngừa, ứng phó” được tổ chức vào sáng ngày 3/10 tại Hà Nội, ông Trần Quang Hoài – Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng, chống thiên tai cho biết Việt Nam là một trong những quốc gia chịu nhiều tác động nhất của thiên tai và biến đổi khí hậu (năm 2016 Việt Nam xuất hiện 20/21 loại hình thiên tai, trừ sóng thần).

Ông Hoài cho hay thiên tai – đặc biệt là bão, lũ và hạn hán ngày càng gia tăng về cường độ, tần suất với nhiều tổn thất lớn về người và thiệt hại cho nền kinh tế.

Theo thống kê trong 20 năm qua, Việt Nam có khoảng 10.800 người chết và mất tích trong các đợt thiên tai, thiệt hại 20.000 tỷ đồng GDP bình quân hàng năm (1 – 1,5% GDP).

Theo Tổng cục trưởng, lũ quét và sạt lở đất ở Việt Nam có xu thế tăng trong giai đoạn 1990 – 2017. Trong năm 2014, các tỉnh miền núi phía Bắc có 19 người chết và mất tích trong các trận lũ quét và sạt lở đất; đến năm 2017 con số này đã tăng lên 49 người.

Năm 2016, thiệt hại trong thiên tai theo thống kê khoảng 40.000 tỷ đồng. Từ đầu năm 2017 đến nay, thiệt hại trong thiên tai gần bằng 50% của năm 2016.

Hiện có 10 tỉnh có nguy cơ sạt lở đất, lũ quét cao nhất, trong đó Yên Bái là tỉnh có nhiều điểm có nguy cơ sạt lở nhất với hơn 2.300 điểm, Sơn La gần 1.700 điểm, Hà Giang gần 1.000 điểm.

Ghi nhận trong trận lũ quét và sạt lở đất xảy ra tại các tỉnh miền núi phía Bắc hồi đầu tháng 8/2017, bốn tỉnh: Sơn La, Yên Bái, Điện Biên và Lai Châu có 42 người chết và mất tích; 239 nhà bị sập, cuốn trôi, tổng thiệt hại ước tính khoảng 1.400 tỷ đồng. Trong đó, Yên Bái là một trong những địa phương chịu nhiều thiệt hại lớn nhất trong mưa lớn, lũ quét với 8 người chết, 6 người mất tích, 9 người bị thương,… tổng thiệt hại vật chất hơn 546,7 tỷ đồng.

Theo công bố của Bộ NN&PTNT, trong 20 năm từ 1975 đến năm 1995, diện tích rừng tự nhiên của cả nước giảm 2,8 triệu ha.

Báo cáo Hiện trạng môi trường quốc gia giai đoạn 2011 – 2015 của Bộ TN&MT cho hay: “Điều đáng lo ngại là chất lượng rừng tự nhiên tiếp tục giảm. Tuy độ che phủ rừng có xu hướng tăng nhưng chủ yếu là rừng trồng với mức đa dạng sinh học thấp, trong khi rừng tự nhiên với mức đa dạng sinh học cao nhưng tỷ lệ bảo tồn còn rất thấp. Trong giai đoạn 1990 – 2013, diện tích rừng tự nhiên và rừng trồng đều tăng lên, tuy nhiên tốc độ tăng hàng năm của diện tích rừng trồng cao hơn khoảng 6 lần tốc độ phục hồi của rừng tự nhiên”.

Tính đến ngày 31/12/2016, cả nước có hơn 14 triệu ha, trong đó diện tích rừng tự nhiên hơn 10 triệu ha, rừng trồng hơn 4 triệu ha. Diện tích rừng đủ tiêu chuẩn để tính độ che phủ cả nước là hơn 13 triệu ha – độ che phủ 41,19%.

Hải Anh

Xem thêm: