Bảo kê “xe vua”, “mãi lộ”, “cò kiểm định”, ý thức chấp hành luật an toàn giao thông của người dân còn yếu kém… là hàng loạt những nguyên nhân được nhóm nghiên cứu của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội chỉ ra trước vấn nạn tai nạn giao thông (TNGT) nghiêm trọng như hiện nay.

moi nam hon 8 000 nguoi chet vi tai nan giao thong uy ban tu phap noi gi
Bình quân, tai nạn giao thông làm chết 23 người mỗi ngày tại Việt Nam. Ảnh: Giao thông trên một đường phố tại TP.HCM, ngày 20/8/2010. (Ảnh: Shutterstock)

Sáng 6/3, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội tổ chức phiên giải trình về tình hình vi phạm pháp luật và tội phạm xâm phạm an toàn giao thông đường bộ, đường sắt trong các năm 2017, 2018, đầu năm 2019 và các giải pháp trong thời gian tới.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết mỗi năm vẫn có trên 8.000 người chết vì TNGT, trung bình mỗi ngày có 23 người sáng ra khỏi nhà chiều mãi mãi không về. Mặc dù TNGT có giảm ở cả 3 tiêu chí (số vụ, số người chết, số người bị thương) nhưng tình vẫn rất nghiêm trọng; tai nạn giao thông đường bộ, đường sắt trong năm 2018 làm 8.190 người chết, 14.792 người bị thương.

Chủ nhiệm Nga cũng cho biết khi quyết định tổ chức phiên giải trình này cũng có một số ý kiến ngần ngại, cho đây là vấn đề nhạy cảm, Chính phủ cũng đã rất cố gắng rồi, nhưng quan điểm của Ủy ban Tư pháp không phải đi tìm lỗi mà cùng chung tay xem có cách gì giải quyết tốt hơn tình trạng hiện nay được không.

Theo người đứng đầu Ủy ban Tư pháp, giải pháp hiệu quả phụ thuộc rất lớn vào việc tìm đúng nguyên nhân, nếu do tổ chức thực hiện thì nên chấn chỉnh, siết chặt quản lý hơn nữa.

Nhóm nghiên cứu của Ủy ban Tư pháp đề nghị Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) giải trình về một số hoạt động thanh tra, kiểm tra chưa được triển khai thường xuyên, hoặc chưa chọn đúng, trúng vấn đề bất cập để thanh tra, kiểm tra định kỳ, đột xuất nên hiệu quả chưa cao.

Một số ví dụ được dẫn ra như vụ án nhận hối lộ xảy ra tại Thanh tra Sở GTVT Cần Thơ, 7 cán bộ thanh tra thỏa thuận với một số doanh nghiệp, nhà xe để không bắt hoặc bắt nhưng phạt với các lỗi nhẹ khi vi phạm luật giao thông.

Nhóm nghiên cứu cũng chỉ ra hàng tháng hoặc mỗi lần vi phạm, các doanh nghiệp và cá nhân giao nộp tiền mặt hoặc chuyển khoản cho các cán bộ thanh tra giao thông, với số tiền ít nhất là 1 triệu đồng/tháng, nhiều nhất là 28 triệu đồng/tháng.

Đối với Bộ Công an, đại diện của Ủy ban Tư pháp yêu cầu giải trình về tình trạng lái xe đường dài sử dụng ma túy đã được phản ánh từ lâu, song công tác tuần tra, kiểm soát chưa tập trung nhiều vào việc kiểm tra. Chỉ đến khi xảy ra các vụ đặc biệt nghiêm trọng ở Long An, Hải Dương, gây bức xúc trong dư luận thì việc kiểm tra mới được chú trọng.

Ủy ban Tư pháp xác định tình trạng lái xe sử dụng ma túy, chất gây nghiện đang là nguyên nhân dẫn đến nhiều vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng trong thời gian gần đây. Nhóm nghiên cứu đề nghị Bộ Công an, Bộ GTVT phối hợp với Bộ Y tế có giải pháp kịp thời để ngăn chặn tình trạng này.

Ngoài ra, nhóm nghiên cứu cũng đề nghị Bộ Công an và Bộ GTVT giải trình về tình trạng xe quá tải chưa được xử lý triệt để, có dấu hiệu tái diễn tại các quốc lộ, trốn tránh kiểm tra, kiểm soát. Điều này gây mất an toàn giao thông, làm hư hỏng kết cấu hạ tầng, trong một số trường hợp là nguyên nhân trực tiếp gây ra các vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng. Trước con số chỉ 10-12% số xe được kiểm tra vi phạm về tải trọng, theo Ủy ban Tư pháp, điều này chưa phản ánh đúng số lượng và tình hình vi phạm trên thực tế.

Một số cán bộ còn hạn chế về năng lực, tiêu cực trong thực thi nhiệm vụ, thậm chí là “bảo kê” cho vi phạm, bảo kê cho các “xe vua”, Ủy ban Tư pháp cho hay.

Trong công tác đăng kiểm, có hiện tượng “cò kiểm định”. Theo báo cáo của Bộ GTVT, số đăng kiểm viên bị đình chỉ năm 2017 là 63 người, năm 2018 là 72 người; số đơn vị đăng kiểm bị đình chỉ năm 2017 là 6 đơn vị, năm 2018 là 8 đơn vị.

Trong việc đào tạo, sát hạch lái xe còn tâm lý “không muốn học bài bản nhưng vẫn muốn có giấy phép lái xe”. Nắm bắt tâm lý đó, một số trung tâm sát hạch cắt xén chương trình, thay vì dạy bài bản thì lại dạy “mẹo” với mục tiêu thi đỗ chứ không phải vận hành xe an toàn; có hiện tượng “bao thi”, “bao đỗ” tại một số cơ sở đào tạo, sát hạch lái xe.

Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cũng nhấn mạnh ý thức chấp hành pháp luật về an toàn giao thông của một bộ phận người dân tham gia giao thông còn yếu kém là nguyên nhân chính dẫn đến TNGT.

Tại phiên giải trình, Ủy ban Tư pháp cũng đặt câu hỏi về “trách nhiệm của Bộ Công an, Bộ GTVT sau hàng loạt các vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng vừa qua”.

Nguyễn Quân

Xem thêm: