Từ năm 2010 tới nay, tổng nguồn lực cho xây dựng ‘nông thôn mới’ khoảng 2,2 triệu tỷ đồng (tương đương 94,8 tỷ USD), bình quân mỗi năm kinh phí để ‘xây dựng nông thôn mới’ khoảng 10 tỷ USD.

Thông tin do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết trong một sự kiện tổng kết chương trình xây dựng ‘nông thôn mới’ giai đoạn 2010-2020.

nông thôn mới
Cổng làng Trần Xá (xã Hàm Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình). (Ảnh: baoquangbinh.vn)

Theo báo cáo tổng kết, có 2 tỉnh 100% đạt chuẩn ‘nông thôn mới’, là tỉnh Đồng Nai (133/133 xã, 11/11 huyện đạt chuẩn) và tỉnh Nam Định (209/209 xã, 10/10 huyện đạt chuẩn).

Ngoài ra, 4.665 xã (chiếm 52,4% tổng số xã) và 109 huyện (chiếm 16,5% tổng số huyện) đạt chuẩn ‘nông thôn mới’.

Tổng nguồn lực trong 10 năm, từ năm 2010-2020 là khoảng 2,2 triệu tỷ đồng (tương đương 94,8 tỷ USD). Bình quân mỗi năm, khoảng 10 tỷ USD được chi để ‘xây dựng nông thôn mới’.

Ông Phúc cho hay sắp tới sẽ triển khai chương trình xây dựng ‘nông thôn mới’ giai đoạn 2021-2025. Mục tiêu đến năm 2025, 75% số xã trên cả nước đạt chuẩn ‘nông thôn mới’, trong đó ít nhất 20% số xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; 50% số huyện, thị xã đạt chuẩn hoàn thành nhiệm vụ xây dựng ‘nông thôn mới’, trong đó 10% được công nhận là huyện, thị xã nông thôn mới kiểu mẫu; ít nhất 19 tỉnh được công nhận hoàn thành xây dựng ‘nông thôn mới’. Thu nhập bình quân của người dân nông thôn năm 2025 tăng ít nhất 1,8 lần so với năm 2020.

Theo Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 – 2020, có 19 tiêu chí cần đạt ‘chuẩn’ từ kinh tế – xã hội và đời sống nông thôn để các đơn vị hành chính cấp xã, huyện được công nhận là ‘nông thôn mới’.

Về nguồn vốn thực hiện, ngoài nguồn vốn ngân sách (trung ương và địa phương), vốn ODA, vốn vay ưu đãi, chương trình “huy động tối đa nguồn lực của địa phương (tỉnh, huyện, xã) để tổ chức triển khai”.

Theo đó, ngoài tiền ngân sách, còn huy động tiền đóng góp của người dân, dưới hình thức phí, quỹ.

Điều này được thể hiện tại văn bản số 1447/TTg-KTN ngày 13/8/2014 của Thủ tướng Chính phủ: “Việc huy động, đóng góp của người dân phải tùy thuộc vào khả năng, hoàn cảnh cụ thể của từng vùng, từng địa phương, không quy định cứng nhắc tỷ lệ chi của Nhà nước và đóng góp của nhân dân. […] Tuyệt đối không được yêu cầu người dân đóng góp bắt buộc và huy động quá sức dân; không được yêu cầu những hộ dân nghèo, người già, người tàn tật không nơi nương tựa, hộ khó khăn, gia đình chính sách phải đóng góp…”

Thực tế, tại tỉnh Hà Tĩnh, trong các năm 2017, 2018, bình quân mỗi hộ phải đóng từ 4-5 triệu đồng cho các khoản  tiền mở rộng đường làm trục chính, xây dựng nhà văn hóa, xây dựng kênh mương nội đồng, tiền mầm non… Trẻ em từ 6 tháng tuổi trở lên, người dưới 80 tuổi đều tính trong số nhân khẩu phải nộp tiền.

Năm 2015, tại xã Phú Phương (huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang), chính quyền xã ép các hộ dân (dù ở nhà lá) phải xây cổng bê tông để đủ điều kiện công nhận ‘nông thôn mới’.

Năm 2014, sơ kết 3 năm xây dựng ‘nông thôn mới’, xã Hàm Ninh (huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình) cho biết ngoài việc hiến đất, tài sản trên đất và hàng nghìn ngày công, có 18 tỷ đồng từ người dân.

Do làm theo phong trào, xét duyệt theo tiêu chí hành chính thay vì chỉ số kinh tế, nợ đọng xây dựng ‘nông thôn mới’ xảy ra phổ biến. Theo số liệu tổng hợp từ báo cáo của các địa phương, tính đến tháng 12/2018, tổng số nợ đọng xây dựng ‘nông thôn mới’ là 651,8 tỷ đồng (tương đương 28 triệu USD). Trong đó, 7 tỉnh nợ đọng trên 40 tỷ đồng.

Con số nợ đọng xây dựng ‘nông thôn mới’ hồi đầu năm 2016 vào khoảng 15.000 tỷ đồng.

Vĩnh Long

Xem thêm: