BQL Đường sắt đô thị TP HCM cho biết số tiền 200 tỉ đồng dự kiến phân bổ cho dự án Metro số 1 trong năm 2019 là không đủ, mà cần khoảng 9.500 tỉ đồng để dự án kịp tiến độ.

TP HCM de xuat bo sung 18000 ty dong hai du an trong diem
Tuyến metro số 1 (Bến Thành – Suối Tiên) có nguy cơ khó hoàn thành vào năm 2020. (Ảnh: hcmcmetroline1-scc.com.vn)

Theo Ban quản lý đường sắt đô thị TP HCM, nhu cầu vốn cho dự án tuyến Metro số 1 Bến Thành – Suối Tiên trong năm 2019 là 9.502 tỉ đồng.

Trong đó, 2.451 tỉ đồng dùng để thanh toán khối lượng công việc từ năm 2018 chuyển sang, còn 7.257 tỉ đồng sử dụng cho tiến độ năm 2019.

Trong khi đó, trên cơ sở kế hoạch dự kiến vốn ODA của Bộ Kế hoạch đầu tư giao cho TP HCM năm 2019 là 1.000 tỉ đồng, Sở Kế hoạch và đầu tư TP dự kiến phân bổ cho dự án Metro số 1 chỉ có 200 tỉ đồng.

BQL Đường sắt đô thị TP nhận định số vốn 200 tỉ này sẽ không đủ đáp ứng được nhu cầu vốn cho Metro số 1 tiếp tục đẩy tiến độ trong năm 2019.

Để đảm bảo việc thanh toán cho các nhà thầu theo hợp đồng, BQL Đường sắt đô thị TP kiến nghị UBND TP HCM chấp thuận chủ trương tiếp tục được tạm ứng vốn từ ngân sách TP để thanh toán cho các nhà thầu.

Trước mắt, BQL đề nghị tạm ứng trong đợt 1 năm 2019 là 2.245 tỉ đồng để thanh toán, tạm ứng cho các hồ sơ đề nghị thanh toán.

Sau đó, tùy theo tiến độ thực tế, BQL sẽ tiếp tục báo cáo UBND TP, Sở Tài chính TP về việc ứng vốn cho ngân sách TP thanh toán cho nhà thầu.

Dự án Metro số 1 dài 19,7km có tổng mức đầu tư được duyệt năm 2007 hơn 17.387 tỉ đồng và hiện đang chờ các cấp thẩm quyền phê duyệt tổng mức đầu tư điều chỉnh lên 47.325,2 tỉ đồng.

Ban đầu, dự án dự kiến hoàn thành vào quý 1 năm 2017, nay lùi tiến độ đến năm 2020. Cho đến nay dự án đã đạt khoảng 62% khối lượng công việc và cơ bản hoàn thành các hạng mục chính.

Trước đó, tháng 12/2018, Kiểm toán Nhà nước đã nêu lên một số sai phạm của UBND TP HCM và BQL Đường sắt đô thị TP HCM trong quá trình thực hiện dự án này.

Cụ thể, báo cáo kiểm toán cho biết dự án điều chỉnh có tổng mức đầu tư 47.325 tỉ đồng. Theo quy định tại Luật Đầu tư công 2014, dự án sử dụng vốn đầu tư công từ 10.000 tỉ đồng trở lên thuộc dự án trọng điểm quốc gia, phải trình Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương đầu tư và Thủ tướng Chính phủ ra quyết định đầu tư.

Bên cạnh đó, khi kéo dài thời gian thực hiện dự án từ một năm trở lên, Chính phủ phải báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định. Tuy nhiên, UBND TP HCM phê duyệt điều chỉnh thời gian thực hiện dự án từ hoàn thành vào năm 2017 sang hoàn thành vào năm 2019 là không tuân thủ trình tự và thẩm quyền.

Mặt khác, Kiểm toán Nhà nước cũng nhấn mạnh quyết định phê duyệt điều chỉnh dự án khi chưa có báo cáo đánh giá hiệu quả đầu tư và chưa rõ ràng về nguồn vốn.

Tuấn Minh (t/h)

Xem thêm: