“Em ơi, gọi điện về cho bố mẹ thắp hương cho anh, chứ giờ anh lên xe đây” – là lời nhắn cuối cùng của anh N. (Nghệ An) trong cuộc gọi vội vã cho vợ trưa ngày 22/10. Chúng nghiệt ngã như những dòng tin nhắn cuối cùng Trà My (Hà Tĩnh) nhắn cho mẹ lúc 4 rưỡi sáng ngày 23/10.

“Con xin lỗi bố mẹ nhiều mẹ ơi… Con chết vì không thở được… Con xin lỗi mẹ, mẹ ơi”…

Những lời nhắn gửi cô độc, một nửa hy vọng và rồi hoàn toàn tuyệt vọng. Không có ai, ngoài gia đình làm nơi bấu víu cho những bước chân biết mình đang đánh cược cả mạng sống khi dấn thân vào những chuyến xe sinh tử. Không có ai, ngoài gia đình khiến những dòng tin nhắn đầy day dứt lẫn trong đau khổ tuyệt vọng khi không làm tròn chữ hiếu vì đường đi không thành.

vượt biên, nghèo khổ, xuất khẩu lao động, Formosa
Sau chuyến đánh cá, Phú Bài, Thừa Thiên Huế, ngày 4/7/2019. (Ảnh: Tran Qui Thinh/Shutterstock)

Tại Anh, danh tính 39 người thiệt mạng trong container vẫn đang được xác định, với lời hứa “đảm bảo sự tôn trọng người đã mất” của cảnh sát hạt Essex (London).

Còn tại Việt Nam, tính đến chiều ngày 27/10, 24 gia đình ở Nghệ An, Hà Tĩnh đã xác nhận có con mất tích ở Anh. Trong số đó, riêng một huyện Can Lộc (Hà Tĩnh) đã có 8 gia đình báo đã mất liên lạc với người thân khi trên đường sang Anh.

Chưa bao giờ, những con ngõ, ngôi nhà ở Hà Tĩnh, Nghệ An nhiều tang thương như thế. Tất cả vẫn đang cùng nguyện cầu rằng các con còn sống. Nhưng cùng lúc, những gia đình khốn khổ ấy vẫn thu thập mẫu máu, mẫu tóc gửi sang Anh để giới chức xác nhận tìm con. Có gia đình đã lập bàn thờ tạm trong nỗi mong ngóng con trở về. Dù chỉ còn một tia hy vọng, không ai nỡ bỏ rơi con mình. Dù cõi dương hay âm, không ai đành lòng khi biết con mình hãy còn bơ vơ.

Như nhiều biến cố và thảm kịch xảy ra gần như mỗi ngày trên đất nước Việt, xót thương không còn là cảm xúc duy nhất và tuyệt đối trước những phận người đã khuất. Sự tuyệt vọng đang phủ trùm từng người bởi những thảm kịch xảy ra liên tục không có hồi kết, dù gần ngay trước mắt như tai nạn giao thông hay âm thầm và dai dẳng như ung thư hay muôn vạn trạng bệnh do môi trường khánh kiệt, người với người đầu độc nhau khiến từng miếng ăn, miếng nước, khí thở cũng làm nên tội. Vì xót xa nên thay vì lặng một chút cảm thông, người người vội lên tiếng trách than cho người đi bởi sự lựa chọn quá nghiệt ngã. Chúng ta thậm chí hãy ngưng phán xét cả những người đang phán xét. Như lời của một người đã chứng kiến quá nhiều phận “người rơm” khốn khổ (*), một chút im lặng cảm thông với những gia đình đang ở tận đáy của sự đau thương có lẽ là điều cần trong lúc này. Dù là người Việt Nam, người Trung Quốc hay người dân của bất kỳ quốc gia nào chăng nữa, họ được quyền yên nghỉ sau quá nhiều những đau đớn, hoảng loạn lúc cuối đời. Người đã khuất cần được tôn trọng, như cách cả thế giới đã nâng niu cậu bé Syria say ngủ vĩnh viễn bên bờ biển ở xứ sở mênh mông.

Hãy vội khoan phán xét, chỉ bởi chúng ta là một phần trong xã hội đó, trong vô thức hay thờ ơ mà góp phần làm cho xã hội ấy vận hành. Những tác nhân vĩ mô không khiến cho trách nhiệm của mỗi phần tử trở nên tiêu biến. Hôm nay, không chỉ có hàng chục, hàng trăm… người Hà Tĩnh, Nghệ An chấp nhận phận “người rơm” nơi đất khách. Trên vùng cao phía Bắc, những người H’Mông, Dao, Tày… mất đất, hết rừng từ lâu đã chui theo đường mòn, đánh cược mạng sống của phận làm chui với những chủ người Trung Quốc. Với những cô gái Việt bán tủi nhục, bán tương lai làm lao động tình dục bên Singapore, Malaysia, Phillipines…, Việt Nam là quê nhà nhưng không phải nơi để về. Nơi đất Tây Nguyên, nhiều gia đình người Thượng kéo nhau cùng chạy trốn, sang Campuchia, sang Thái Lan, không hẳn bởi đói mà bởi những trận đòn, những hận thù, họ chẳng được đối xử như con người, bị cấm nói ngôn ngữ tộc mình, bị cấm thực hành đức tin theo tín ngưỡng của mình. Còn nhiều tiếng nói tha hương ngay trên đất mình, cô độc đến lẻ loi khi bị gọi tên “bất đồng chính kiến” chỉ bởi họ cất lên tiếng nói của chính mình giữa muôn vàn ngụy tạo.

Chúng ta không thể từ chối rằng mình đã hơn một lần quay lưng – vì sợ sệt hay vì vị kỷ đến thờ ơ – trước những điều được gọi chung là “vấn đề xã hội”, vội vã gieo vào đầu một từ “làm chính trị” để cắt đứt mọi dòng suy tư. Có lẽ sự “thiếu hiểu biết” chẳng ở đâu xa. Thiếu hiểu biết đôi khi chỉ là việc chúng ta từ chối trách nhiệm. Trách nhiệm bận tâm, trách nhiệm đi tìm ngã rẽ, trách nhiệm cùng giải quyết vấn đề. Khác với những người không biết, khi có phán xét nhất định rằng đó là “vấn đề xã hội” hay “làm chính trị”, chúng ta rõ ràng đã có sự lựa chọn. Chỉ là chúng ta lựa chọn im lặng mà thôi.

Mà, hãy khoan nói đến biển chết do Formosa, thành phố ngộp thở do hàng triệu cây xanh bị chặt, nước chết, đất chết do hóa chất công nghiệp, nông nghiệp, rừng bị tàn phá và những xác đứa trẻ quện trong lũ bùn… Đóng một bản tin, tắt màn hình điện thoại, mọi lời tự vấn “tại sao” cũng tự nhiên khép lại. Không phải vì chúng đã được trả lời, mà vì chúng đi vào bế tắc. Thật khó chấp nhận cho những con đường ngồn ngộn xe, nước uống nhiễm độc, không khí gây bệnh, rác khắp nơi, tiếng còi xe, tiếng la hét, tiếng chửi rủa từ đường phố cho tới khi về nhà. Nhưng chúng ta vẫn chấp nhận. Chấp nhận một đời sống “định hướng”, sống theo tư duy “định hướng” chỉ là con đường nối dài dẫn tới việc chấp nhận cho qua từ thảm họa này sang thảm họa khác. Trong xã hội đó, ai cũng là nạn nhân và ai cũng là thủ phạm. Miễn là khi cái chết không ập xuống bất thình lình, có ai không thừa nhận rằng chúng ta đang lựa chọn cách phớt lờ để sống?

Ai cũng chọn cách sống đời ly tán, để rồi tất cả cùng ly hương?

Vì sao nhiều người kêu gọi phải minh bạch thông tin, vì sao cần giúp đỡ kẻ yếu, hướng dẫn những người không có hiểu biết, ít được học hay hỗ trợ từ những điều thiết yếu như ăn, ở, học hành? Chỉ bởi muốn thay đổi thì cần phải hành động. Hãy dừng phán xét và cũng đừng tự ti. Hãy giúp thay đổi, cải biến hoàn cảnh, bắt đầu từ những điều tưởng chừng như nhỏ nhặt ở xung quanh.

Khi người trẻ Hồng Kông gây dựng biểu tượng cho lòng khát khao nhân quyền dọc mùa hè 2019, nhiều người Việt đã lên tiếng hỏi: Người trẻ Việt Nam đâu? Họ đang sống thay cho những thế hệ đã chọn ngậm miệng và giữ im lặng trước quá nhiều sự toàn trị. Thế hệ trước cả một thời đại đã bị cưỡng chế buông bỏ truyền thống văn hóa, nội hàm đạo đức được gầy dựng thông qua giáo dục, thế hệ tiếp theo thì hoàn toàn trưởng thành trong hoàn cảnh ấy, chấp nhận rằng nội hàm văn hóa chính là như thế, phương cách tư duy chính là như thế. Thế hệ trẻ hôm nay hấp thu nền giáo dục “không chân”, buộc tồn tại trong một hệ văn hóa biến dị, ô nhiễm khi chứa đầy gian dối và bạo lực. Không chỉ người trẻ hôm nay chạy trốn, nhiều người trung niên, lão niên cũng chạy trốn dưới cái tên “định cư nước ngoài”. Chạy trốn vì nghèo thôi chưa đủ. Người người đang chạy trốn vì mong cầu một nền giáo dục nhân văn, một đời sống nhân văn, một nền văn hóa nhân văn.

Con đường có thể dài hay ngắn, hợp pháp hay hiểm nguy, để theo đuổi ước mơ hay mang theo hy vọng đổi đời – nhưng giữa rất nhiều dấu ngược ấy, có một điểm chung rằng người ta đi vì tin. Chẳng có cái giá nào người ta cho là đắt nếu không có đủ niềm tin rằng nơi đó có tương lai.

“Giá của sự sống” không còn chỉ là câu hỏi vọng với 39 người xấu số. “Giá của sự sống” có lẽ đã thành câu hỏi vọng cho một dân tộc tự biến mình thành ly hương ngay trên chính quê hương mình.

Lê Trai

(*) “Người rơm” ở Anh và những câu chuyện buồn từ Calais

Xem thêm: